image banner
Tỉnh ủy Lào Cai coi trọng chỉ đạo và thực hiện công tác lịch sử Đảng
Lượt xem: 467
Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng trong xây dựng Đảng bộ, trong những năm qua Tỉnh ủy Lào Cai đã quan tâm chỉ đạo sát sao các hoạt động của công tác này.  

Công tác Lịch sử Đảng là một trong những hoạt động quan trọng nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đấu tranh có hiệu quả chống lại các luận điệu sai trái và âm mưu của các thế lực thù địch. Nâng cao chất lượng công tác lịch sử Đảng của tỉnh Lào Cai  là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn đối với công tác xây dựng hệ thống chính trị nói chung và  Đảng bộ nói riêng, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với lịch sử phát triển của địa phương; góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ năm 2012 đến năm 2017, tỉnh Lào Cai đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 25 “Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng và khoa giáo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011- 2015”, Đề án số 17 "Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020”, trong đó có nội dung, nhiệm vụ về công tác lịch sử Đảng. Theo đó, Tỉnh Lào Cai có chính sách hỗ trợ, đầu tư nguồn lực cho công tác Lịch sử Đảng; ban tuyên giáo cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy việc triển khai thực hiện công tác lịch sử Đảng; các sở ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tích cực hưởng ứng tham gia.

Công tác lịch sử Đảng được Tỉnh ủy Lào Cai coi trọng chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Nhờ vậy, từ năm 2012 đến nay, công tác lịch sử Đảng của tỉnh có bước chuyển biến vượt bậc. Công tác tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp và lịch sử truyền thống địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong 5 năm, đã có một số đảng bộ tiến hành tái bản, biên soạn bổ sung lịch sử Đảng bộ; chất lượng ấn phẩm tốt hơn, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất với lịch sử toàn Đảng và cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của địa phương. Tính đến tháng 12 năm 2017, cấp tỉnh đã có 25 công trình nghiên cứu, biên soạn về lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương, đơn vị; cấp huyện có 40 cuốn sách lịch sử; toàn tỉnh có 14/15 đảng bộ huyện, thành phố, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử đơn vị; đã có 07 đơn vị cấp huyện xuất bản Lịch sử truyền thống ngành; toàn tỉnh Lào Cai đã có 51/164 xã, phường, thị trấn xuất bản cuốn sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống.  

Năm 2013, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo khoa học  “Lời dạy của Bác Hồ mãi soi đường cho nhân dân các dân tộc Lào Cai” nhân kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2013). Với 30 tham luận khoa học, Hội thảo đã tập trung nghiên cứu làm nổi rõ tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cho các thế hệ nhân dân hiểu sâu sắc hơn về giá trị nhân văn và ý nghĩa thực tiễn lời căn dặn của Người qua những bức thư gửi cho nhân dân các dân tộc Lào Cai và lời huấn thị nhân dịp Người thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, công nhân và nhân dân Lào Cai. Năm 2015, Tỉnh ủy biên soạn Cuốn sách “Lào Cai 25 năm tái lập, đổi mới, phát triển (1991-2015) – Tầm nhìn và hành động; cuốn sách “Lời dạy của Bác Hồ mãi soi đường cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai”. Đây là những công trình chuyên khảo có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lào Cai lần thứ XV. Đặc biệt, từ tháng 12 năm 2013 đến tháng 3 năm 2017, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành xây dựng và xuất bản 27 tập văn kiện Đảng bộ toàn tập (từ khóa I đến khóa XIV). Công trình không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với Đảng bộ và Nhân dân Lào Cai. Nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức hội thảo khoa học “Lào Cai 25 năm tái lập (1991-2016) Bài học kinh nghiệm và giải pháp phát triển trước yêu cầu, nhiệm vụ mới”. Thông qua các hoạt động tuyên truyền những ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống Đảng bộ tỉnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh như "Bác Hồ với Lào Cai, Lào Cai làm theo lời Bác dạy" thu hút 67.000 người tham gia; Cuộc thi tìm hiểu lịch sử 70 năm Đảng bộ tỉnh Lào Cai (1947 – 2017) đã thu hút 51.089 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ nghỉ hưu, quần chúng tham gia cuộc thi; Cuộc thi tìm hiểu 70 năm quan hệ đặc biệt Viêt Nam – Lào (1947-2017) thu hút trên 14.102 người tham gia. Kết quả đạt được của công tác lịch sử Đảng trong những năm qua đã góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống của Đảng bộ, lịch sử địa phương, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ, góp phần xây dựng Đảng bộ trên lĩnh vực chính trị tư tưởng.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Lịch sử Đảng, tỉnh Lào Cai xác định tập trung thực hiện nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, đó là: (1) Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 20 – CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; chỉ đạo sát sao công tác lịch sử Đảng; việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương, lịch sử đơn vị; quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cacsn bộ làm công tác lịch sử Đảng; bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí cần thiết cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cần coi trọng công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu biên soạn lịch sử, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng ở mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác lịch sử Đảng.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo việc xác định ngày thành lập các tổ chức đảng cơ sở, ngày thành lập các đơn vị, sưu tầm, lưu giữ tư liệu, chuẩn bị các điều kiện để nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc; các sở, ban, ngành đoàn thể thực hiện theo Kế hoạch 101- KH/TU ngày 17/11/2017 của Tỉnh ủy. Nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng các cấp, lịch sử địa phương đơn vị; chú trọng tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương trong toàn Đảng bộ và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ với các phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới; chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương. Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh, trong Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, địa phương, đơn vị hướng tới đạt hiệu quả ngày càng cao trong công tác Lịch sử Đảng. Bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các di tích lịch sử, các di sản văn hóa địa phương, lưu giữ các nguồn tư liệu lịch sử Đảng, lịch sử địa phương, đơn vị; xây dựng phòng truyền thống các địa phương, ban, ngành, đoàn thể. 

Công tác Lịch sử Đảng là một trong những nội dung của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Vì vậy nâng cao chất lượng công tác này góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng vững mạnh./.


 Tác giả: Nguyễn Thị Nguyền
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập