image banner
Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo
Lượt xem: 255
Năm 2021, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 và triển khai nhiều hoạt động hiện thực hóa chiến lược này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm ứng dụng công nghệ sáng tạo. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2021 được công bố trong báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện cho thấy Việt Nam đứng thứ 62 toàn cầu và xếp thứ 6 trong 10 nước ASEAN, tăng 14 bậc so với xếp hạng thế giới năm 2020 và tăng 1 bậc trong ASEAN.

Đây là năm đầu tiên, điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 51.82, vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới là 47.42.

Ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc đánh giá và xây dựng bộ chỉ số dựa trên nhiều yếu tố như đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, ứng dụng, doanh nghiệp... đặc biệt là sự xuất hiện của chiến lược quốc gia về AI.

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược AI quốc gia, trong đó chỉ rõ Indonesia và Việt Nam đều đã phát hành các chiến lược quốc gia về AI trong thời gian kể từ năm 2020. Cả hai nước đều đạt điểm tối đa trong khía cạnh tầm nhìn năm 2021.

Chiến lược AI của Indonesia tập trung vào các dịch vụ y tế, cải cách quan liêu, giáo dục và nghiên cứu, an ninh lương thực, di chuyển và thành phố thông minh.

Trong khi Việt Nam đặt ra tham vọng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

30% các quốc gia trong bảng xếp hạng có chiến lược quốc gia về AI và 9% xác nhận đang hướng tới chiến lược quốc gia.

Năm 2021, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Ngay sau khi Chiến lược được ban hành, nhiều hoạt động hiện thực hóa Chiến lược đã được triển khai.

Đặc biệt, hoạt động quảng bá Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện hiệu quả trong năm 2021 với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation) hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Australia.

Theo ông Chu Văn Thắng, chuyên gia tư vấn Chương trình Aus4Innovation, việc tăng thứ hạng thể hiện sự đầu tư của chính phủ các nước, trong đó Việt Nam vào công nghệ mới như AI là đúng hướng.

Bảng xếp hạng là cơ sở giúp các chính phủ trong cung cấp dịch vụ cho người dân, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đến giao thông, AI có thể cải thiện việc cung cấp các dịch vụ công.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động trên toàn cầu, việc thúc đẩy quá trình số hóa các dịch vụ và dữ liệu sẵn có trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe rất quan trọng cho mục đích sử dụng công khai.

Các chỉ số sẵn sàng để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để các chính phủ có thể xác định mục tiêu và cách thức tận dụng sự chuyển đổi số do AI hỗ trợ.

Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng AI của chính phủ từ 160 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ, chỉ số được sử dụng như một công cụ để so sánh tình trạng hiện tại về mức độ sẵn sàng cho AI của chính phủ ở các quốc gia so sánh với các nước trong khu vực trên toàn cầu để học tập kinh nghiệm hữu ích phát triển.

Phương pháp đánh giá năm 2021 sử dụng 42 chỉ số (cao hơn 9 so với chỉ số năm 2020) trên ba trụ cột (chính phủ, cơ sở hạ tầng và ngành công nghệ) với 10 khía cạnh thuộc nhóm nhân lực, dữ liệu và cơ sở hạ tầng, năng lực đổi mới, tầm nhìn, khả năng thích ứng, quản trị và đạo đức, năng lực kỹ thuật số, quy mô, tính sẵn có của dữ liệu.

Việc mở rộng chỉ số mang lại bức tranh lớn và sâu hơn về sự sẵn sàng cho AI của các nước.

Báo cáo lần này chia thế giới thành 9 khu vực gồm: Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Caribe, Tây Âu, Đông Âu, Châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi, Nam và Trung Á, Đông Á và Thái Bình Dương.

Khách tham quan khu vực trưng bày các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo phân tích các ý kiến chuyên gia cho từng khu vực trên thế giới, mỗi khu vực chọn ra một quốc gia tiêu điểm, được xác định trở thành nhà lãnh đạo khu vực hoặc quốc gia có những sáng kiến điển hình, nổi bật về sự sẵn sàng AI.

Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu với 88.16 điểm nhờ vào quy mô và tốc độ phát triển trong lĩnh vực công nghệ với nhiều "kỳ lân" công nghệ.

Singapore xếp thứ hai, đứng đầu khu vực Đông Á với 88.46 điểm bởi chỉ số quản trị nhân lực và năng lực đổi mới được đánh giá cao.

Nằm trong top 5 còn có Anh xếp thứ 3 với 81.25 điểm; Phần Lan xếp thứ 4 với 79.23 điểm và thứ 5 là Hà Lan với 78.51 điểm, phản ảnh thực tế rằng Bắc Mỹ và Tây Âu là những khu vực có các quốc gia dẫn đầu chỉ số trên toàn cầu.

Các khu vực có điểm số trung bình thấp nhất là châu Phi cận Sahara, châu Mỹ Latinh và Caribe, Nam và Trung Á. Điều này phản ánh sự bất bình đẳng về mức độ sẵn sàng AI của các nước đã được xác định trong các lần đánh giá trước.

Ba quốc gia cuối bảng xếp gồm Angola thứ 158 với 22.87 điểm; Cộng hòa Trung Phi thứ 159 với 20.73 điểm và Yemen cuối bảng chỉ 15.01 điểm.

Đáng chú ý, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có lợi thế lớn triển khai AI và có các chỉ số về dữ liệu cao, trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tạo ra nhiều bài báo liên quan đến AI hơn bất kỳ quốc gia nào khác, chiếm 27,68% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực AI và trở thành người dẫn đầu toàn cầu trong chỉ số nghiên cứu về AI, giúp nâng cao điểm số trong khía cạnh nguồn nhân lực.

Báo cáo nêu rõ, một số quốc gia như Myanmar chỉ 31,57 điểm, Campuchia chỉ 33,35 điểm và Papua New Guinea chỉ 34,75 điểm - mức điểm dưới mức trung bình toàn cầu bởi các quốc gia này gặp bất lợi do không có các chiến lược AI quốc gia, điều này ảnh hưởng đến điểm số trong khía cạnh tầm nhìn, cũng như các lĩnh vực công nghệ nhỏ hơn.

Báo cáo cũng gợi ý việc thành lập các trung tâm AI trong các trường đại học với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ. Việc tạo ra các liên kết giữa các trung tâm nghiên cứu và các công ty trên phạm vi rộng hơn sẽ nuôi dưỡng tài năng AI trong khu vực.

Đài Loan là một ví dụ điển hình khi đạt 70,49/100 về năng lực đổi mới và đã thiết lập khuôn khổ R&D dựa trên sự đồng đổi mới giữa các công ty Đài Loan và quốc tế./.

Theo: TTXVN
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập