image banner
Xây dựng thương hiệu nông sản Lào Cai
Lượt xem: 336
Cùng với đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, tỉnh Lào Cai quan tâm phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đây được coi là “bệ phóng” để nông sản của tỉnh vươn xa.

 

Giai đoạn đầu thành lập tỉnh, lương thực chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho Nhân dân, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, diện tích sản xuất nông nghiệp hàng hóa manh mún, tập quán canh tác của người dân vùng cao lạc hậu. Nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã cụ thể hóa những nghị quyết của Trung ương và đặt ra mục tiêu biến khó khăn thành lợi thế, khai thác tiềm năng để phát triển các sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của tỉnh. Nhiều giống cây, con được đưa vào thử nghiệm và từng bước đạt kết quả. Ngoài ra, tận dụng ưu thế các tiểu vùng khí hậu, tỉnh đã thử nghiệm và thực hiện thành công vùng sản xuất cây ăn quả ôn đới, dược liệu, hoa cao cấp, cá nước lạnh...

Giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh hỗ trợ phát triển, hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung như vùng dược liệu 3.584 ha; vùng chè hơn 6.000 ha, sản lượng ước đạt gần 38.000 tấn; vùng chuối 3.300 ha, sản lượng ước đạt 68.500 tấn; vùng dứa 1.700 ha, sản lượng ước đạt 33.000 tấn. Những năm trở lại đây, chuỗi giá trị ngành hàng quế phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và trở thành một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Lào Cai đã xây dựng được vùng quế gần 48.000 ha, sản lượng ước đạt 55.000 tấn cành, lá và 5.100 tấn vỏ quế mỗi năm.

Việc thực hiện các đề án trong chương trình nông nghiệp, nông thôn và ổn định đời sống Nhân dân góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác; người dân chủ động sản xuất, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Lào Cai như cá nước lạnh, rau an toàn, cây ăn quả, hoa địa lan, gạo Séng cù, quế... tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Trong xu thế cạnh tranh của thị trường đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng, vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa không chỉ là tập hợp các yếu tố xác định và phân biệt sản phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm, mà còn thực sự trở thành nguồn vốn, tài sản có giá trị cho phát triển bền vững, giúp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, toàn tỉnh hiện có 72 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, điển hình là gạo Séng cù Mường Khương, Bát Xát; cá nước lạnh Sa Pa, rau an toàn Sa Pa; mận Bắc Hà; trứng vịt Sín Chéng, Si Ma Cai; thịt trâu sấy, lợn đen bản địa, gạo nếp Thẩm Dương, Văn Bàn; chuối, dứa, quế, các sản phẩm chè, hồng không hạt… Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đã làm tăng giá trị đối với các sản phẩm được bảo hộ, tạo hàng hóa có tính thương mại và cạnh tranh cao.

Kể từ khi được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2016, sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa đã “bơi” ra được “biển lớn”. Anh Lê Trung Thức, chủ cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm Thức Mai - một trong những cơ sở nuôi cá lớn và có thâm niên tại thị xã Sa Pa cho biết: Trước năm 2016 khi chưa được chứng nhận nhãn hiệu cá nước lạnh Sa Pa, dù được đánh giá cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng giá trị thấp do cá thương phẩm sau khai thác vẫn phải bán buôn cho các thương lái nhỏ lẻ trong tỉnh. Từ khi có nhãn hiệu hàng hóa, thông tin sản phẩm được quảng bá rộng rãi, các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), Thái Nguyên... đã tìm đến đăng ký đặt hàng tiêu thụ.

Hiện tại, 1 kg cá hồi tươi có giá 300 - 500 nghìn đồng tùy theo trọng lượng, cá tầm cũng có giá từ 250 - 400 nghìn đồng/kg, cao hơn 25% đến 30% so với trước. Anh Thức khẳng định, nhãn hiệu và chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo “bệ phóng” giúp sản phẩm cá tầm, cá hồi của cơ sở nói riêng và sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa nói chung vươn xa.

Đối với sản phẩm gạo Séng cù Bát Xát, gạo Séng cù Mường Khương, sau khi xây dựng nhãn hiệu tập thể, đến nay, giá bán ổn định từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 2 đến 2,5 lần so với một số loại gạo khác. Với sản phẩm miến đao sâm Bát Xát, sau khi xây dựng nhãn hiệu, sản lượng đã tăng 2 lần, giá trị tăng 30% đến 40% so với trước và có thị trường tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, thành phố lớn trong nước. Với sản phẩm mận Bắc Hà, nhờ xây dựng được thương hiệu, giá tăng trung bình khoảng 5.000 đồng/kg, sản lượng hơn ba nghìn tấn, thu lãi khoảng 18 tỷ đồng/năm; su su Sa Pa giá tăng 2.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 14 tỷ đồng/năm…

Theo ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm, mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang theo hướng tập trung, nhất là đã thực hiện chủ trương mỗi địa phương có một sản phẩm đặc thù.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực ngoài nỗ lực của tỉnh, ngành rất cần sự chung tay của người dân và doanh nghiệp. Sự tham gia của doanh nghiệp, người dân sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, quyết định chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính bền vững của thương hiệu.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập