image banner
Hội thảo khoa học cấp Bộ “Nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách ở các tỉnh Tây Nam Bộ”
Lượt xem: 158

Sáng ngày 26-10-2023, tại Trường Chính trị tỉnh Cà Mau, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách ở các tỉnh Tây Nam Bộ”. GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì Hội thảo.

anh tin bai

Đoàn Chủ trì Hội thảo - Ảnh: LLCT

Cùng chủ trì Hội thảo có các đồng chí Hồ Trung Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau; PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS, Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị; TS Đặng Trí Thủ, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Cà Mau.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các vụ chức năng, viện nghiên cứu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị khu vực III, khu vực IV; đại diện lãnh đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh thuộc Tây Nam Bộ; các nhà khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

Dự và đưa tin Hội thảo có các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.

Tây Nam Bộ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; giàu tiềm năng và lợi thế phát triển, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Hiện nay, Tây Nam Bộ đang phát triển năng động, làm thay đổi nhanh chóng đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy vậy, Tây Nam Bộ vẫn là một địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội so với cả nước, đặc biệt là đang chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu.

anh tin bai

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo - Ảnh: LLCT

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học là hoạt động quan trọng để nhìn nhận, đánh giá quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận gắn với tham mưu, tư vấn chính sách tại các tỉnh Tây Nam Bộ.

 Hội thảo gồm hai phiên, tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản sau:

Một là, phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận chung về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận gắn với tham mưu, tư vấn chính sách

Nghiên cứu lý luận phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn. Kết quả nghiên cứu lý luận nhằm mục đích vận dụng vào thực tiễn, chứ không phải “lý luận suông”. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phải nhằm mục đích tham mưu, tư vấn chính sách để không sa vào bệnh kinh nghiệm, chủ quan duy ý chí và để kết nối các nấc thang trực quan sinh động và tư duy trừu tượng với thực tiễn ở tầm cao hơn.

Hai là, đánh giá thực trạng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận gắn với tham mưu, tư vấn chính sách ở các tỉnh Tây Nam Bộ

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, của các tỉnh ủy, thành ủy và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị cấp tỉnh ở Tây Nam Bộ đã tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, từ đó có những đóng góp nhất định cho việc xây dựng chủ trương, nghị quyết lãnh đạo ở địa phương, góp phần cung cấp tư liệu giúp các cơ quan Trung ương tiếp tục nghiên cứu, khái quát lý luận, cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn vẫn chưa ngang tầm với vị thế, tiềm năng, yêu cầu, nhiệm vụ của các trường chính trị ở các tỉnh Tây Nam Bộ.

Ba là, đóng góp của hệ thống tạp chí Học viện trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn

Hệ thống các tạp chí Học viện - một bộ phận quan trọng của hệ thống báo chí lý luận của Đảng đã có những đóng góp thiết thực cùng với các trường chính trị trong nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia đắc lực vào đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các tạp chí của Học viện đã phản ánh những kết quả hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận ở Tây Nam Bộ, đã đăng tải nhiều bài viết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên địa bàn Tây Nam Bộ và các bài phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà lãnh đạo, quản lý thực tiễn, nhà khoa học trên cả nước về các vấn đề liên quan đến Tây Nam Bộ. Làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Tây Nam Bộ và các địa phương trong vùng... Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của tổ chức khoa học, giáo dục và các địa phương trên địa bàn Tây Nam Bộ.

Bốn là, đề xuất phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận gắn với tham mưu, tư vấn chính sách ở các tỉnh Tây Nam Bộ

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận trao đổi về những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận gắn với tham mưu, tư vấn chính sách ở các tỉnh Tây Nam Bộ.

Tại Hội thảo, đánh giá tầm quan trọng của việc gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách, PGS, TS Phạm Huy Kỳ, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với hoạt động tham mưu, tư vấn chính sách là sự hiện thực hóa mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và mang tính tất yếu khách quan trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

PGS, TS Phạm Huy Kỳ khẳng định: ở các địa phương, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có ý nghĩa quan trọng là nhận thức rõ hơn những điều kiện, đặc điểm chung và riêng của địa phương so với cả nước và các tỉnh, thành trong khu vực. Điều này giúp cho địa phương nhìn nhận rõ hơn mức độ phù hợp của các cơ chế, chính sách được Trung ương ban hành chung cho cả nước và đối với địa phương, để từ đó có sự cụ thể hóa cho phù hợp, hoặc kiến nghị với Trung ương có những điều chỉnh cần thiết; đồng thời, cũng từ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, các địa phương có thể ban hành các cơ chế, chính sách riêng phù hợp với điều kiện của mình.

Bàn về cách thức, điều kiện gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách, PGS, TS Trần Khắc Việt, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: các đề xuất tham mưu, tư vấn chính sách phải đúng và trúng các vấn đề cơ quan ban hành chính sách và thực tiễn cần có câu trả lời; phải kịp thời và có đầy đủ các căn cứ lý luận và thực tiễn, có sức thuyết phục cao, có tính dự báo, tầm nhìn xa và đề xuất thành các phương án khác nhau; đồng thời phải có tính khả thi, có thể "chuyển hóa" ngay thành chính sách, thể chế, cơ chế, quy định.

Về vấn đề nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và tổng kết thực tiễn gắn với tham mưu, tư vấn chính sách của đội ngũ giảng viên các trường chính trị khu vực Tây Nam Bộ, TS Trần Hoàng Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Châu Văn Đặng, tỉnh Bạc Liêu khẳng định: nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị các tỉnh Tây Nam Bộ có vai trò quan trọng đối với sự vận động và phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung.

Hoạt động này góp phần làm rõ thêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng; giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hệ thống chính trị các tỉnh Tây Nam Bộ giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường giai cấp, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, với sự nghiệp cách mạng; đồng thời trực tiếp nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho chính đội ngũ giảng viên các trường chính trị khu vực Tây Nam Bộ góp phần nâng cao chất lượng đào tạọ, bồi dưỡng tại trường.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Công tác chuẩn bị và thời gian diễn ra Hội thảo tuy không nhiều, song với tinh thần trách nhiệm cao, sự tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu khoa học, lòng mong muốn phát triển của các địa phương và toàn vùng Tây Nam Bộ phát triển nhanh và bền vững, Hội thảo đã đạt được những kết quả quan trọng.

Thứ nhất, với hơn 40 tham luận và những ý kiến phát biểu tâm huyết, rất trọng tâm, toàn diện, thẳng thắn, có giá trị thiết thực vào giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công tác lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng và các địa phương trên địa bàn Tây Nam Bộ.

Thứ hai, Hội thảo đã phản ánh rõ nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và thực trạng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách của các Đảng bộ, các Trường Chính trị ở Tây Nam Bộ hiện nay; đóng góp của công tác công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách ở mỗi địa phương và toàn vùng, thúc đẩy sự tham gia chủ động, hiệu quả vào hội nhập quốc tế hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Tây Nam Bộ trong dài hạn.

Thứ ba, Hội thảo đã làm rõ và cho thấy sự cần thiết phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị cấp tỉnh trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách, góp phần nâng cao năng lực, đổi mới tư duy lý luân của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của đội ngũ cán bộ.

Thứ tư, Hội thảo đã làm rõ sự quan tâm của các Tạp chí thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với vai trò là diễn đàn khoa học lý luận chính trị, đã tích cực công bố, lan tỏa những kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về các vấn đề liên quan đến vùng Tây Nam Bộ và các địa phương.

Thứ năm, Hội thảo đã có được những gợi mở phương hướng, giải pháp thiết thực, cụ thể để đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách.

anh tin bai

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: baocamau.vn

Hội thảo khoa học cấp Bộ “Nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tham mưu, tư vấn chính sách ở các tỉnh Tây Nam Bộ” là sự kiện khoa học có ý nghĩa đặc biệt, có giá trị thiết thực nhằm thống nhất nhận thức và đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham mưu tư vấn chính sách ở các tỉnh Tây Nam Bộ, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mỹ Dung
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập