image banner
Phát triển chính sách bảo hiểm y tế bền vững, hiệu quả trong tình hình mới
Lượt xem: 23
Sau 15 năm triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các nội dung của Chỉ thị số 38 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.
anh tin bai

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế cho tiểu thương tại Hà Tĩnh. Ảnh: BHXHVN

Mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân đã dần tiệm cận

 Theo ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, với việc quán triệt và triển khai kịp thời, đầy đủ nội dung Chỉ thị số 38, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương, công tác bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt được các kết quả nổi bật.

 Giảm chi hàng nghìn tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

 BHXH Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công tác giám định, thanh tra, kiểm tra đã có những thay đổi tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng Quỹ BHYT. Qua công tác này, đã phát hiện nhanh chóng, kịp thời các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng hoặc sử dụng Quỹ BHYT không hợp lý, góp phần giảm chi Quỹ BHYT hàng nghìn tỷ đồng.

 Trong đó, diện bao phủ BHYT đã tăng nhanh và phát triển bền vững. Trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 38, năm 2008, toàn quốc chỉ có 39,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 46,1% dân số. Nhưng đến năm 2023, cả nước đã có hơn 93,3 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân.

 Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT với số tiền quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng. Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.

 Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng Quỹ BHYT được thực hiện hiệu quả khi đã cân đối thu - chi, đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Công tác giám định, thanh tra, kiểm tra đã có những thay đổi cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành tại địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

 “Tấm thẻ BHYT trở thành một phần không thể thiếu trong giấy tờ tùy thân của hầu hết người dân, nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa... Đây chính là minh chứng thành công của công tác truyền thông, khi chính sách BHYT, ý nghĩa của việc tham gia thấm vào trong nhận thức, đời sống của mỗi người dân. Tính tuân thủ pháp luật BHYT ngày càng tốt, người dân tin tưởng và hài lòng khi sử dụng thẻ BHYT, thể hiện chính sách BHYT đã thực sự đi vào đời sống...” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.

 Triển khai chính sách theo chiều sâu

 Phát biểu tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW mới đây, ông Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, những kết quả trên đã khẳng định chính sách BHYT có ý nghĩa và đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân, mang lại chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn.

 Để sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân, đặc biệt là giúp chính sách BHYT đi vào chiều sâu hơn nữa, thực sự là trụ cột an sinh xã hội vững chắc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông, để mỗi người dân, doanh nghiệp đều thấy rõ quyền lợi thiết thực khi tham gia BHYT, từ đó hình thành ý thức tự giác tham gia. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, chính sách về BHYT tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần được tiếp tục tăng cường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT. Cơ quan BHXH các cấp cần chủ động nghiên cứu, tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT; kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện BHYT toàn dân.

 Ông Vũ Thanh Mai cũng đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực BHYT. Qua đó, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả, ngăn ngừa, chống lạm dụng quỹ KCB BHYT, cân đối thu- chi và đảm bảo tốt quyền lợi BHYT của người tham gia./.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập