image banner
Cần thu hút người tài để tạo vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội
Lượt xem: 28
Trong hành trình đổi mới toàn diện công tác giáo dục, nhiều nhà giáo ở tỉnh Hòa Bình cho rằng cần có chính sách mới để thu hút người tài.
anh tin bai

Nhiều ý kiến mong muốn cần có những cơ chế đãi ngộ thu hút người giỏi về công tác giảng dạy.

Cần cơ chế "đặc thù"...

 Những năm qua, tình trạng thiếu giáo viên luôn là vấn đề được các cấp chính quyền tại tỉnh Hòa Bình quan tâm. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này xuất phát từ chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục còn có những bất cập.

 Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau. Một số giáo viên gặp khó khi thu nhập cá nhân chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Trước tình hình trên, thời gian qua, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình đã tìm nhiều giải pháp để giải bài toán thiếu hụt cho nhân lực.

 Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình thông tin: Từ cuối tháng 12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định về việc giao biên chế năm 2024. Trong đó, từ năm học 2023 - 2024 bổ sung 117 biên chế cho giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên việc thu hút giáo viên về công tác tại địa phương rất khó.

 Theo kế hoạch, trong năm 2024, tỉnh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tập trung nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; về xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình; về đội ngũ nhà giáo. Đẩy mạnh hoạt động tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thu hút những người có tài, giỏi chuyên môn nghiệp vụ về công tác trong lĩnh vực giáo dục.

anh tin bai

Việc thu hút người giỏi vào công tác giảng dạy sẽ nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo bà Tuyến nhận định, dạy học là một nghề với các kỹ năng đặc trưng mà không nghề nào có. Không phải ai có trình độ học vấn nhất định cũng có thể trở thành giáo viên chuyên nghiệp. Hơn nữa, trong hành trình đổi mới giáo dục như hiện nay rất cần bắt nhịp nhanh chóng với khoa học và công nghệ. Để giáo viên cống hiến, nhiệt huyết với nghề, đảm bảo lợi ích đầy đủ cần sớm ban hành Luật Nhà giáo.

 Thông qua Luật Nhà giáo, đội ngũ giáo viên sẽ được trả lương thích hợp, làm việc trong môi trường giảng dạy và học tập đầy hứng khởi. Đó là yếu tố quan trọng nhất của bất cứ hệ thống giáo dục nào. Địa vị nhà giáo, sự tôn trọng của xã hội đối với công việc giảng dạy cũng được nhân lên, tạo động lực cho giáo viên cống hiến.

 Bên cạnh đó là việc thu hút thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề để tuyển chọn theo học tại các trường sư phạm để bổ sung nguồn lực.

 Cần bảo đảm sự đãi ngộ…

 Ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng GĐ&ĐT huyện Mai Châu cho biết, để thu hút người giỏi vào làm việc trong ngành giáo dục, nâng cao vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội, rất cần có Luật Nhà giáo. Khi Luật đi vào cuộc sống sẽ giúp giáo viên thêm tự tin, phát huy khả năng sáng tạo trong phương pháp giảng dạy.

 Việc tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy sẽ khuyến khích đổi mới và cải tiến trong giáo dục, tạo môi trường thuận lợi cho giáo viên thử nghiệm. Từ đó, áp dụng các phương pháp giảng dạy mới cũng như đưa ra các ý tưởng sáng tạo để cải thiện chất lượng giáo dục.

anh tin bai

Thông qua Luật Nhà giáo sẽ bảo đảm quyền lợi cho giáo viên cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo ông Hiếu, qua các hội nghị tập huấn cũng như lấy ý kiến của những đồng nghiệp, nhiều thầy cô cho rằng, khi xây dựng Luật Nhà giáo, cần xác định rõ ràng hơn khái niệm, trách nhiệm, quyền lợi, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh… của nhà giáo. Luật hóa những ưu tiên về lương, chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo tương xứng với vị thế của ngành, nghề. Ngoài những quy định về quyền tự chủ của nhà giáo, Luật cũng cần nêu rõ trách nhiệm và tính tự chủ của các trường học.

 Ông Hiếu cho rằng: "Nếu chúng ta mãi duy trì chế độ đãi ngộ, chế độ lương, phụ cấp cào bằng như hiện nay không chỉ tạo ra một sức ì lớn cho một bộ phận giáo viên mà nhiều người cũng dễ mất dần đi động lực trong quá trình công tác, giảng dạy".

 "Các chế độ đãi ngộ, tôn vinh và khen thưởng tốt, công bằng sẽ tạo động lực để nhà giáo yên tâm công tác. Như vậy sẽ tạo ra những động lực để những nhà giáo tâm huyết, có chuyên môn tốt phấn đấu và cống hiến cho sự phát triển của ngành ngày một nhiều hơn", ông Hiếu nói thêm.

 Cô Nguyễn Thị Hồng Thanh, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, TP. Hòa Bình cho biết: Chính sách hiện nay vẫn còn chưa tương xứng với “chất xám” mà nhà giáo cống hiến. Các chính sách tiền lương đối với giáo viên mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo; chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Đồng thời, chưa thu hút được những người có năng lực về giảng dạy.

 Theo bà Bùi Thị Kim Tuyến, để thu hút người tài, cần thực hiện chế độ ưu đãi, tôn vinh đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải dựa trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

 Bà Bùi Thị Kim Tuyến cho rằng, cần khuyến khích đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có chính sách hỗ trợ giáo viên trẻ về chỗ ở, phụ cấp khi công tác ở vùng sâu, vùng xa. Bảo đảm bình đẳng giữa giáo viên trường công lập cũng như trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...

Nguồn: giaoducthoidai.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập