image banner
Những người trực tiếp bảo vệ, phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày độc lập 2-9-1945
Lượt xem: 250

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời về Hà Nội. Để chuẩn bị cho ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ lâm thời và quần chúng dự mít tinh tại Quảng trường Ba Đình được Trung ương giao cho Sở Liêm phóng Bắc Bộ, lực lượng cảnh sát cùng lực lượng quân đội và Đội tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu thực hiện. Đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác bảo vệ, Tổ cảnh vệ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng. Đơn vị cảnh sát được giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự đường phố và điều khiển giao thông. Buổi lễ tuyên bố độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chiều ngày 2-9-1945 đã an toàn, thành công tốt đẹp.

anh tin bai

Lực lượng Liêm phóng Bắc Bộ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri tại Phúc Tân, Hà Nội (tháng 1-1946)

Sau ngày tuyên bố độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đặc biệt là các tổ chức phản động trong nước như: Việt quốc, Việt cách… được các thế lực ngoại quốc giúp đỡ đã ráo riết hoạt động chống chính quyền cách mạng. Để thống nhất tổ chức và nhiệm vụ của ngành công an cả nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23 NV hợp nhất các Sở Cảnh sát với các Sở Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ trực thuộc Bộ Nội vụ. Lúc đó, tình hình an ninh chính trị tại Thủ đô Hà Nội vô cùng phức tạp, công tác bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đô thị khó khăn hơn và hoàn toàn khác khi Người ở Việt Bắc nên đồng chí Nguyễn Lương Bằng (thường gọi là Anh Cả) được Trung ương giao trực tiếp phụ trách công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ngoài việc bảo đảm nơi ăn nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn tự học lái xe và nhiều lần đưa Người về nghỉ ở những địa điểm bí mật. Thời gian này, được sự hỗ trợ của quân đội Trung Hoa dân quốc ở Hà Nội, bọn phản động trong nước thường gây ra nhiều vụ ám sát, bắt cóc, tống tiền các đồng chí lãnh đạo Đảng. Vì vậy, ngoài Bắc Bộ phủ là địa điểm chính để Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc, tiếp khách trong và ngoài nước, Trung ương bố trí thêm một địa điểm bí mật ở số 8 phố Vua Lê (nay là phố Lê Thái Tổ). Ngôi nhà này vốn là của viên Chánh án Tòa Thượng thẩm Đông Dương, xây theo kiểu biệt thự, hai tầng có sân rộng và tường bao quanh, đối diện với nhà Thủy Tạ. Tại đây, bảo vệ bên trong là một trung đội Vệ quốc đoàn, hầu hết là người Tày từ Tân Trào mới về, do đồng chí Đàm Quang Trung phụ trách. Phía ngoài luôn luôn có công an hóa trang bí mật bảo vệ, do đồng chí Lê Giản chỉ đạo, có nhiệm vụ theo dõi tình hình xung quanh khu biệt thự và phối hợp chặt chẽ với đơn vị bảo vệ bên trong. Lực lượng bảo vệ trực tiếp do đồng chí Nguyễn Văn Lý trực tiếp phụ trách. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tầng hai, cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Lý, các đồng chí khác ở tầng dưới. Đồng chí Tiêu Văn Khương, cựu tù chính trị ở Sơn La mới về, được đồng chí Nguyễn Lương Bằng phân công nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh; bà Lê Thị Thanh lo công tác hậu cần. Hằng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dậy sớm tập thể dục, ăn sáng rồi sang Bắc Bộ phủ làm việc. Tối về, Người tiếp tục làm việc hoặc họp với các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… tổ cận vệ luôn luôn ở bên Người. Nhiều lần trên đường đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị quân Trung Hoa dân quốc cho người bám sát theo dõi nhưng đều bị tổ cận vệ phát hiện, đánh lạc hướng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên thay đổi nơi ở, khi ở Bắc Bộ Phủ, khi ở số 8 Vua Lê, khi ở một cơ sở cách mạng hay ra ngoại thành để tránh sự theo dõi của bọn phản động. Bộ phận chuyên trách bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian này vẫn là các đồng chí trong đội bảo vệ từ Tân Trào, bổ sung thêm hai đồng chí Vũ Đình Huỳnh và Nguyễn Cần. Các đồng chí bảo vệ trực tiếp ban ngày ngồi bên cạnh phòng Người làm việc, tối ngủ ở phòng liền ngay lối vào phòng ngủ của Người, tuy nhiên, các đồng chí này chưa được đào tạo về nghiệp vụ, chưa có phiên hiệu; quần áo không thống nhất, ai có gì mặc nấy; chưa có điều lệnh quy định, tất cả chỉ dựa vào nhiệt tình cách mạng và quyết tâm trung thành bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi đến gặp phái bộ Đồng minh hoặc người của Quốc dân Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bố trí nhiều bảo vệ đi cùng, thường chỉ có hai cảnh vệ tiếp cận, Người căn dặn không được mang theo súng dài lộ liễu, chỉ mang súng ngắn giấu trong bụng. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm sâu sát, góp ý vào kế hoạch của lực lượng làm công tác cảnh vệ. Người phân chia khu vực trên bản đồ rồi đánh số 5 cửa ra vào của Bắc Bộ Phủ, tổ chức luân phiên các chiến sĩ trong các tiểu đội gác cửa đến nhận diện xe của Người, làm quen với màu sơn, số xe, tiếng còi để tiện thao tác mở cửa. Buổi tối, Người cùng tập võ với anh em. Từ cuối 1945, các đồng chí lái xe cho Người thường được phát cả súng để kiêm nhiệm vụ bảo vệ. Các cán bộ mỗi khi đến làm việc với Người thường được Người gửi các món quà nhỏ về cho chiến sĩ như thuốc lá, giấy viết thư, khăn mặt… Người nắm tình hình sức khỏe của từng cán bộ, chiến sĩ. Mỗi khi có người mắc khuyết điểm, lỗi nghiệp vụ, Người đều ôn tồn giảng giải chứ không nóng giận. Ví dụ câu chuyện xảy ra tại Bắc Bộ Phủ: Trời mùa Thu oi bức, thấy anh em cảnh vệ phải ngủ ở căn phòng tầng 1 nhỏ, chật chội mà trên tầng 2 có một phòng khách rộng rãi, thoáng mát khóa cửa để không, Người nói với đồng chí quản trị mở cửa phòng cho anh em cảnh vệ lên ngủ buổi tối. Mấy hôm sau đi qua phòng tầng 1 lại thấy anh em cảnh vệ vẫn ngủ ở đây, Người ngạc nhiên hỏi đồng chí quản trị thì mới biết, có được ngủ chỗ thoải mải, mấy chiến sĩ nghịch ngợm vật nhau làm vỡ mặt bàn bằng đá cẩm thạch rất to ở trong phòng. Vì thế đồng chí quản trị đã phê bình gay gắt các chiến sĩ và khóa cửa phòng khách lại, không cho anh em cảnh vệ ngủ ở đó nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe xong, ôn tồn bảo: Các chú là bộ đội, là thanh niên, phải sinh hoạt cho vui, cho khỏe. Chơi vật cũng tốt. Nhưng muốn vật nhau phải tìm bãi cỏ, chỗ rộng. Người ngã không đau và không làm đổ vỡ, thiệt hại đến của công. Lần này đã lỡ phải rút kinh nghiệm cho lần sau.  Người nhắc đồng chí quản trị tiếp tục cứ mở cửa cho anh em ngủ ở đó1. Khi các địa phương gửi quà biếu, bao giờ Người cũng chia cho anh em bảo vệ. Đợt góp gạo cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan nhịn ăn một bữa vào ngày thứ 7 hằng tuần nhưng riêng anh em lái xe, bảo vệ thì Người không cho nhịn, Người giải thích: Các chú phải ăn để bảo vệ sinh mệnh các cán bộ của đoàn thể, trong lúc cán bộ vô cùng quý giá. Trong 15 tháng sau ngày độc lập, cơ quan an ninh cách mạng đã phá vỡ nhiều âm mưu, kế hoạch của kẻ thù hòng ám sát Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng. Ngoài lực lượng bảo vệ chuyên trách, còn một số đồng chí giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, giúp việc, làm những công tác khác, nhưng cùng trong bộ phận phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu độc lập trải qua suốt cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm, đó là những người trung thành, dũng cảm, khôn khéo, cương quyết, linh hoạt, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao2. Ngoài đồng chí Trần Đăng Ninh (Nguyễn Tuấn Đáng) tham gia bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và Nguyễn Lương Bằng được Trung ương giáo phụ trách công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có một số đồng chí khác:

- Đàm Quang Trung (Đàm Ngọc Lưu) là người dân tộc Tày, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đi học ở Trường quân sự Hoàng Phố, sau về nước huấn luyện du kích. Ông được phân công làm chỉ huy Đội vệ binh bảo vệ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ở Tân Trào; được giao chỉ huy cuộc duyệt binh mừng ngày Độc lập.
- Lê Giản (Tô Dĩ) từng tham gia tổ chức Hội Việt Nam mạng Thanh niên, rồi được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan liên lạc ở Hải Phòng. Ông bị Pháp đưa đi lưu đày ở Madagasca rồi được quân Đồng minh tuyển dụng, đưa về hoạt động ở Đông Dương. Ông được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng sân bay Lũng Cò. Tháng 10-1945, ông được điều động về Hà Nội giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Liêm phóng Bắc bộ.
- Nguyễn Cần (Vũ Long Chuẩn, Vũ Kỳ) hoạt động cách mạng cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ, đã từng tham gia phong trào thanh niên phản đế ở trường Bưởi, bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò nhưng vượt ngục về công tác và được đồng chí Trần Đăng Ninh giới thiệu đến giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm thư ký cho Người từ tháng 8-1945 đến năm 1969.

- Nguyễn Văn Lý (Nguyễn Đăng Cao, Hoàng Hữu Kháng) là một võ sư yêu nước, từng theo học võ ở Thái Bình, rất giỏi côn, quyền, đao thuật và võ thuật. Ông tham gia hoạt động cách mạng và bị bắt giam ở Nhà tù Sơn La nhưng đã vượt ngục về hoạt động và được chọn vào tổ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 10-1945.
- Nguyễn Văn Lưu được giao trách nhiệm tổ chức Văn phòng Bộ Ngoại giao từ tháng 9-1945 (lúc này Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao trong Chính phủ lâm thời). Ông là người phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người soạn thảo các văn bản ngoại giao. Sau đó, ông giữ chức Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch từ năm 1945 đến năm 1947.

- Lê Thị Thanh (Ngô Thị Ngọc) là đội viên ban công tác hoạt động bí mật trong lòng địch, được bổ sung vào tổ bảo vệ và phục vụ Chủ tịch Hồ chí Minh từ đầu năm 1945, chuyên chăm lo công tác hậu cần và nấu ăn cho Người.

- Phạm Văn Nền vốn là lái xe cho báo Cờ giải phóng, sau được đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhận về lái xe phục vụ Chủ tịch Hồ chí Minh từ cuối năm 1945 đến năm 1947. Phạm Văn Nền là người trực tiếp đưa Chủ tịch Hồ chí Minh đến các địa điểm vào buổi tối để thay đổi nơi nghỉ đêm.

- Nguyễn Việt Dũng là người làm công tác tuyên truyền trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ông được cử đi học Trường Quân chính và tham gia bảo vệ Chủ tịch Hồ chí Minh từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến những ngày đầu giành chính quyền cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp.
- Bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ ông Trịnh Văn Bô, nhà tư sản có tinh thần yêu nước ở Hà Nội. Gia đình bà là một cơ sở hậu cần của Đảng, đã đóng góp nhiều tiền bạc trong những ngày chính quyền cách mạng mới thành lập. Bà Hoàng Thị Minh Hồ nhiều lần được gặp và làm việc cùng Chủ tịch Hồ chí Minh, đặc biệt là thời gian Người ở 48 Hàng Ngang để viết bản Tuyên ngôn độc lập. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà lên Việt Bắc và được giao nhiệm vụ phụ trách quỹ tài chính của Ban Kinh tế.
- Ông Đỗ Đình Thiện học kỹ sư canh nông ở Pháp nhưng bị trục xuất về nước vì hoạt động tuyên truyền, vận động binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp. Về nước, ông cùng vợ làm kinh tế để đóng góp cho cách mạng. Trong thời gian Chủ tịch Hồ chí Minh đi Pháp năm 1946, ông được giao nhiệm vụ làm thư ký cho Người. Trong kháng chiến, đồn điền của ông bà ở Chi Nê là nơi đặt nhà máy in tiền của Chính phủ.
- Ông Đinh Đăng Định là người theo học nghề ảnh đồ bản ở Trường bay Bạch Mai, Đồng Hới, sau đó ông về làm công nhân tại nhà ảnh Belphoto ở phố Hàng Bài, Hà Nội. Sau ngày đất nước độc lập, ông là một trong bốn nhà nhiếp ảnh Hà Nội được chọn vào Bắc Bộ phủ chụp ảnh chân dung Chủ tịch Hồ chí Minh thời kỳ đầu có chính quyền cách mạng và trong những năm kháng chiến chống Pháp.

- Ông Vũ Năng An là người tham gia họat động nhiếp ảnh cách mạng từ rất sớm. Tháng Tám năm 1945, ông có mặt tại Hà Nội và đã ghi lại được nhiều tấm ảnh quý giá. Đặc bịêt, ngày 3-9-1945, ông đã chụp được bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sau này Người ký tặng bạn bè và nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trên đường di chuyển lên chiến khu Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho Đội Bảo vệ tiếp cận thành Đội thanh niên tuyên truyền xung phong và để thể hiện quyết tâm kháng chiến của quân, dân ta và cũng là để giữ bí mật trong công tác, Người đổi tên cả 8 anh em trong đội bảo vệ là: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. (Trong số 8 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên thì người trẻ tuổi nhất là đồng chí Chiến, mới 21 tuổi, người nhiều tuổi nhất là đồng chí Kháng ngoài 30. Nhưng điều thú vị là 4 đồng chí đầu là dân tộc Kinh, 4 đồng chí sau là người các dân tộc thiểu số. Từ đó khi ai chuyển đổi công tác, đồng chí khác vào đội cũng được mang tên của người đã ra đi và có ba người kế tiếp nhau mang tên Trường, hai người tên Nhất và hai người tên Thắng. Đồng chí Trường đầu tiên là Võ Chương, quê gốc ở Huế, có thành tích chiến đấu tốt nên được đồng chí Nguyễn Lương Bằng chọn làm bảo vệ Chủ tịch Hồ chí Minh từ 10-1945. Đồng chí Trường thứ hai là Nhất Văn Lâm người dân tộc Tày, đã từng chiến đấu ở Cao Bằng, có tài bắn súng trăm phát trăm trúng. Đồng chí Trường thứ ba là Phạm Văn Nền, lái xe cho Chủ tịch Hồ chí Minh từ cuối năm 1946, sau kiêm cả làm liên lạc. Đồng chí Kỳ là Vũ Long Chuẩn. Đồng chí Kháng là Nguyễn Văn Lý. Đồng chí Chiến là Tạ Quang Chiến đã từng họat động trong phong trào Thanh niên cứu quốc Hà Nội, được đồng chí Trần Quốc Hoàn giới thiệu làm bảo vệ Chủ tịch Hồ chí Minh từ tháng 10-1945. Đồng chí Nhất đầu tiên là Hồ Văn Trường, người dân tộc Tày, đã bảo vệ Người từ trước năm 1945. Người thứ hai là Long Văn Nhất, dân tộc Tày ở Ba Bể, một thanh niên khoẻ, nhanh nhẹn, dũng cảm, bắn giỏi và đặc bịêt có tài đi ngựa luồn lách qua rừng rậm và núi cao, được đồng chí Võ Nguyên Giáp giới thiệu bảo vệ Chủ tịch Hồ chí Minh từ năm 1948. Đồng chí Định tên là Chu Phương Vương, cũng người dân tộc Tày, từng là chiến sĩ quân giải phóng có kinh nghiệm chiến đấu ở vùng rừng núi nên được đồng chí Đàm Quang Trung giới thiệu bảo vệ Chủ tịch Hồ chí Minh từ tháng 7-1945. Đồng chí Thắng thứ nhất là Nguyễn Quang Chí hay Huy, phục vụ Chủ tịch Hồ chí Minh trong một thời gian ngắn rồi chuyển công tác khác khi Người đến Tuyên Quang. Đồng chí Thắng thứ hai là Triệu Hồng Thắng hay Văn Cắt hoặc Tiến Thọ, người dân tộc Dao ở Thái Nguyên, là người nhanh nhẹn thông thạo địa hình rừng núi vì nhiều năm là giao liên và đặc bịêt có quan hệ rất tốt với đồng bào các dân tộc. Đồng chí Lợi là Trần Đình, dân tộc Nùng, Cao Bằng, từng bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người về nước năm 1941). Chị Thanh cấp dưỡng của đội, cũng được Người đặt tên là cô Chín
3.


 
1. Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb CTQG, H, 2005, tr. 732

2. Tài liệu ghi chép của đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 8-1945 đến tháng 9-1969)
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh - hành trình kháng chiến, Nxb Công an nhân dân, H, 2005, tr. 25-26

 

https://tapchilichsudang.vn/pic/Customer/images/638312001579475942.jpghttps://tapchilichsudang.vn/pic/Customer/images/638312001579475942.jpghttps://tapchilichsudang.vn/pic/Customer/images/638312001579475942.jpghttps://tapchilichsudang.vn/pic/Customer/images/638312001579475942.jpghttps://tapchilichsudang.vn/pic/Customer/images/638312001579475942.jpg
Nguồn: Tạp chí Lịch sử Đảng
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập