image banner
“Bông sen xanh” cho du lịch bền vững
Lượt xem: 666
Ngành du lịch đang hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững, trong đó, nhãn hiệu “Bông sen xanh” một lần nữa được Lào Cai hướng tới với quyết tâm phát triển du lịch có trách nhiệm, thân thiện với môi trường.

 

Laxsik Ecolodge Sa Pa phát triển mô hình lưu trú thân thiện với môi trường.

Tháng 4/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững “Bông sen xanh” làm công cụ đánh giá công tác bảo vệ môi trường đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam. Theo đó, nhãn du lịch bền vững “Bông sen xanh” sẽ được cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững với những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khi mới được khởi xướng và ban hành, nhãn hiệu “Bông sen xanh” được coi như “giấy bảo hành” về môi trường để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có nhiều cơ sở được cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh”, “giấy bảo hành” sau đó gần như “biến mất” khỏi thị trường du lịch và không được mấy cơ sở lưu trú quan tâm.

Tại Lào Cai, trong hơn 10 năm qua, việc triển khai đăng ký, đánh giá, thẩm định, cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh” cho các cơ sở lưu trú cũng chưa được quan tâm đúng mức. Trong hơn 1.300 cơ sở lưu trú đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, chưa có cơ sở nào được cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh”.

Ông Hà Quốc Trung, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thừa nhận: Việc triển khai cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh” cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh trước đây chưa được triển khai bài bản và quan tâm đúng mức, nên không mang lại hiệu quả. Việc du lịch Lào Cai phát triển nhanh, nóng, vượt quá quy hoạch khiến việc đánh giá, cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh” chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, nhãn hiệu “Bông sen xanh” có rất nhiều tiêu chí, cần sự đầu tư bài bản, kinh phí lớn, nên nhiều cơ sở ít quan tâm hoặc khó đạt được trong giai đoạn trước.

“Mặc dù chưa có cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai được cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh” nhưng thời gian qua, nhiều cơ sở lưu trú đã dành sự quan tâm, đầu tư phát triển theo hướng sinh thái, thân thiện, bảo vệ môi trường, như khu du lịch cáp treo Fansipan; khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge Sa Pa; Laxsik Ecolodge Sa Pa; Silk Path Grand Sapa Resort & Spa… Đó là những cơ sở được hướng tới để cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh” đầu tiên của Lào Cai trong thời gian tới” - ông Trung cho biết thêm.

Bà Phan Minh Anh, quản lý Laxsik Ecolodge Sa Pa chia sẻ: Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng, Laxsik Ecolodge Sa Pa luôn hướng tới lĩnh vực xanh và phát triển bền vững. Thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường là tiêu chí được cơ sở quan tâm hàng đầu bởi đây là xu thế được khách hàng ưa chuộng ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Muốn phát triển bền vững, chắc chắn các cơ sở lưu trú phải ưu tiên hàng đầu cho hoạt động bảo vệ môi trường. Chúng tôi rất kỳ vọng và sẵn sàng tham gia khi ngành du lịch Lào Cai triển khai tập huấn, đăng ký, cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh”.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, những cơ sở lưu trú quan tâm đến bảo vệ môi trường, có mô hình kinh doanh gần gũi với thiên nhiên vẫn có một lượng khách nhất định trong thời điểm ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Từ đầu năm 2022 đến nay, khi du lịch có dấu hiệu phục hồi, các cơ sở lưu trú như Topas Ecolodge, Laxsik Ecolodge… luôn thu hút lượng khách lớn, thường xuyên kín phòng nghỉ, du khách khó có phòng lưu trú nếu không đặt trước.

Đứng trước xu thế phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, ngành du lịch Lào Cai đã lập kế hoạch tập huấn, triển khai cấp nhãn hiệu “Bông sen xanh” cho các cơ sở lưu trú trong năm 2022. Đây là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó là, phấn đấu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.

Dự kiến cuối quý I/2022, ngành du lịch sẽ tổ chức hội thảo, tập huấn về việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bước đầu, nhãn “Bông sen xanh” sẽ hướng tới các cơ sở lưu trú 4 - 5 sao, các cơ sở có mô hình thân thiện với môi trường.

Ông Hà Quốc Trung cho rằng, “Bông sen xanh” không phải là cái đích của các cơ sở lưu trú và ngành du lịch. Việc bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững là vấn đề toàn cầu, nên bên cạnh nỗ lực của ngành du lịch, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để du khách có trách nhiệm tham gia giữ gìn môi trường sinh thái trong quá trình tham quan, du lịch. Mặt khác, các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp với ngành du lịch hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý đối với các cơ sở lưu trú du lịch vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập