image banner
Cần thiết siết chặt tiêu chí môi trường nông thôn
Lượt xem: 377
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, cả nước có gần 5.500 xã đạt tiêu chí môi trường. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện và giữ được kết quả thực hiện đối với tiêu chí này gặp rất nhiều khó khăn cần có các giải pháp đồng bộ.

Một đoạn đường khang trang, xanh - sạch - đẹp tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Minh

Bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, tình trạng thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM chưa đồng đều, còn nhiều bất cập.

Theo Ban chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM, việc thu gom, xử lý chất thải nông thôn được quy định tại Tiêu chí 17.5 thuộc Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM cấp xã, theo đó, các xã được công nhận đạt chuẩn về Tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu như: Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Trong thực tế, công tác thu gom, xử lý chất thải nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu so với quy định.

Tiêu chí 17.5 đưa ra các quy định thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn, nhưng Tiêu chí Thủy lợi (Tiêu chí số 3) lại không có quy định về kiểm soát nguồn thải và bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi dẫn đến nước thải, rác thải trong khu dân cư không được xử lý khi xả vào kênh mương thủy lợi không có đơn vị chịu trách nhiệm. Quy định không khép kín nêu trên dẫn đến các xã được công nhận đạt chuẩn về Tiêu chí Thủy lợi và Tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn ngày càng gia tăng.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, các địa phương đều đã nỗ lực trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hình thành các tổ chức dịch vụ môi trường, đầu tư xây dựng công trình xử lý tập trung quy mô cấp huyện, tỉnh. Tuy nhiên, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn chủ yếu vẫn là chôn lấp, phần lớn các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và luôn trong tình trạng quá tải.

Theo các chuyên gia, do dân cư nông thôn phân bố theo từng thôn, xóm với quy mô từ 50-100 hộ, khối lượng nước thải phát sinh từ 10-40m3/ngày đêm rất khó khăn cho việc áp dụng các công nghệ xử lý nước thải hiện đại và quản lý công trình theo hướng chuyên nghiệp. Các bãi rác ở nông thôn chủ yếu là các bãi rác tạm với quy mô phổ biến từ 200-500m2, không được đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của bãi rác hợp vệ sinh, rác thải chủ yếu được đổ lộ thiên và luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các công trình xử lý chất thải quy mô nhỏ, mức thu phí của người dân chỉ đủ cho các hoạt động thu gom và chưa có kinh phí cho các hoạt động vận chuyển và xử lý rác thải.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - nhận định, tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kết quả đạt chuẩn Tiêu chí số 17 giai đoạn 2016 - 2020 còn thấp so với các tiêu chí còn lại (đứng thứ 18/19 tiêu chí). Môi trường khu vực nông thôn vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ ô nhiễm. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM với nhiều yêu cầu, thách thức đặt ra phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước.

Hiện, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan thẩm định lại nội dung của Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM 2021 - 2025. Các nội dung về bảo vệ môi trường trong Bộ Tiêu chí nâng cao và kiểu mẫu được quy định chặt chẽ hơn, khắt khe hơn, thực sự tạo ra sự chuyển biến về chất trong xây dựng NTM. Dự kiến sẽ bổ sung nhiều nội dung trong tiêu chí này, như: Quy định về lượng nước cấp theo bình quân đầu người; phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, tuần hoàn chất thải và xử lý chất thải nhựa; quy định về thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn; quy định về đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn và kiểm kê, kiểm soát, bảo vệ chất lượng nước; phục hồi cảnh quan, cải tạo hệ sinh thái ao hồ và các nguồn nước mặt trên địa bàn huyện; bổ sung các quy định về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu…

Các địa phương phải đưa ra các giải pháp quyết liệt trong việc triển khai thực hiện mới hoàn thành và giữ vững tiêu chí môi trường. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là trao quyền và trách nhiệm cho người dân, trong bối cảnh chung của công cuộc xây dựng NTM, công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác BVMT ở nông thôn; phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, công sở, trường học xanh - sạch - đẹp; phát huy tối đa vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn, vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh... là những công việc cần được hết sức quan tâm, đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, nhất thiết cần có sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền; xác định và phân định trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể.

Ngoài ra, phải hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn; đặc biệt chú trọng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác BVMT nông thôn; huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư; ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường hội nhập quốc tế trong giải quyết những khó khăn về môi trường.

 8 chỉ tiêu của tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng NTM
Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo "3 sạch” đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 60% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%...

Nguồn: tuyengiao.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập