image banner
Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên Trung tâm chính trị một số vấn đề đặt ra
Lượt xem: 933
Giảng viên lý luận chính trị (LLCT) có vị trí quan trọng, quyết định đến chất lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm chính trị, giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân trong xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng cho cán bộ, đảng viên cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng để đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng đáp ứng với yêu cầu mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của cấp ủy các cấp về đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy học, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ lãnh đạo, giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm nhiệm các trung tâm chính trị được củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng cơ bản bảo đảm về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, 9/9 trung tâm chính trị của tỉnh có tổng số 122 giảng viên chuyên trách (30 đồng chí) và kiêm nhiệm (92 đồng chí), trong đó 100% giám đốc, phó giám đốc và giảng viên chuyên trách có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% giám đốc, phó giám đốc, giảng viên chuyên trách có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó thạc sỹ chiếm 23,3%; 100% giảng viên kiêm nhiệm là cán bộ lãnh đạo các ban xây dựng đảng, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện bảo đảm yêu cầu về chuyên môn, lý luận chính trị và nghiệp vụ sư phạm, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị tại địa phương cơ sở, thạc sỹ chiếm 26%. Việc quản lý, sử dụng đội ngũ giảng viên và tổ chức các hoạt động chuyên môn được trung tâm thực hiện nghiêm túc. Các giảng viên thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu thực tiễn cơ sở, làm phong phú kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính tại trung tâm chính trị cấp huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trung tâm chính trị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: Công tác quản lý và tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở một số trung tâm chính trị cấp huyện còn thiếu chủ động, dẫn đến kết quả chưa đáp ứng yêu cầu, còn chậm tiến độ so với nhiệm vụ đề ra; phương pháp giảng dạy lý luận chính trị tuy có đổi mới nhưng nhìn chung còn nặng về lý thuyết, một số nội dung chưa sát và chưa theo kịp những vấn đề thực tiễn đặt ra; một số giảng viên, nhất là giảng viên kiêm nhiệm do nhiều lý do khác nhau chưa được kiện toàn và bồi dưỡng kịp thời về phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị; chưa dành nhiều thời gian cho việc soạn giáo án, tìm hiểu thông tin trau dồi bài giảng. Một số trung tâm chính trị chưa bố trí đủ định suất giảng viên chuyên trách theo Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, ngày 19/5/2021 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quy định số 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện. Một số giảng viên chuyên trách chưa được chuẩn hóa về kiến thức chuyên môn, trình độ lý luận, nghiệp vụ sư phạm cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Ít có điều kiện trải nghiệm thực tiễn, tham dự sinh hoạt chi bộ, đoàn thể hoặc tham dự các cuộc dối thoại ở cơ sở, vì vậy khi đứng lớp bài giảng còn mang nhiều hơi hướng của lý thuyết hơn là thực tiễn.

Để nâng cao vị trí, vai trò của trung tâm chính trị hướng tới xây dựng trung tâm chính trị đạt chuẩn, việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị. Thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm để xây dựng đội ngũ giảng viên trung tâm chính trị đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng những yêu cầu sau:

Thứ nhất, giảng viên lý luận chính trị phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt. Giảng viên khi đứng lớp không chỉ với tư cách của người thầy, người trao truyền tri thức cho người nghe, mà còn đòi hỏi ở phẩm chất, nhân cách, uy tín cá nhân. Ngoài yêu cầu về phông kiến thức rộng mở, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nắm chắc lý luận, bám sát hơi thở của thực tiễn, người giảng viên cần thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức và lối sống trong sáng, kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống đối của các thế lực thù địch, phải thực sự là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận công tác tư tưởng.

Thứ hai, giảng viên lý luận chính trị phải có trình độ, năng lực chuyên môn và không ngừng được nâng cao. Ngoài việc chú ý nâng cao kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành, giảng viên phải thật sự là người tâm huyết với nghề nghiệp, thường xuyên cập nhật tri thức, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để có tầm hiểu biết rộng, có thể luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra ở địa phương, cơ sở. Mặt khác, để tăng tính thuyết phục người nghe, giảng viên cần thuần thục và vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, soạn giáo án điện tử, kỹ năng đứng lớp. Để có một bài giảng hay, thuyết phục, thu hút người nghe, giảng viên cần nắm rất chắc bản chất của vấn đề cần truyền thụ, đồng thời linh hoạt, uyển chuyển trong phương pháp truyền tải.

Thứ ba, giảng viên lý luận chính trị phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Vì không nghiên cứu khoa học thì không thể giảng dạy tốt được, cùng với bằng cấp, giảng viên phải có khả năng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, kết hợp lý luận với thực tiễn trong giảng dạy và nghiên cứu. Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy sự say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống.

Thứ tư, giảng viên lý luận chính trị phải am hiểu thực tiễn xã hội. Giảng dạy các môn lý luận chính trị nhất thiết phải liên hệ với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn để bài giảng sinh động và mang được hơi thở của thực tiễn, cập nhật thông tin xã hội có liên quan. Để bài giảng sinh động giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, đặc biệt là của địa phương, sát với các đối tượng học viên. Sự liên hệ này tuỳ thuộc vào phương pháp của giảng viên, có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và giúp cho học viên thấy được sự thể hiện trong thực tế cuộc sống hoặc giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước, từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận.

Thứ năm, giảng viên lý luận chính trị phải thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiên cứu, giảng dạy. Tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, phương pháp giảng dạy là yếu tố quan trọng hàng đầu của người giảng viên. Để tăng cường năng lực công tác đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi giảng viên lý luận chính trị. Ở một phương diện khác, người giảng viên có để lại ấn tượng tốt với người nghe hay không, phần lớn phụ thuộc vào phông kiến thức và kỹ năng truyền tải. Vì vậy tự học tập, tự nghiên cứu, trau đồi chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy là một trong những yêu cầu bất biến đối với mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.

Bên cạnh yêu cầu bắt buộc về đội ngũ giảng viên, để nâng cao chất lượng toàn diện trung tâm chính trị cấp huyện trong tình hình mới, thì phải bắt đầu từ việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Có cơ chế phối hợp bảo đảm tập trung đầu tư cho hoạt động của các trung tâm chính trị cấp huyện; đồng thời cần đổi mới nội dung, chương trình tài liệu giáo dục, bổ sung và biên soạn mới chương trình, tài liệu môn học theo tinh thần và nội dung nghị quyết của Đảng, gắn với sự phát triển mới về lý luận và thực tiễn của nước ta cũng như của từng địa phương, đơn vị. Có cơ chế quản lý đồng bộ, chính sách đãi ngộ phù hợp người dạy và người học; xây dựng được đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có chất lượng cao, xứng đáng là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập