image banner
Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp
Lượt xem: 433

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3 đến 5-11.

Đây là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên tới một quốc gia châu Âu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện kể từ khi nhậm chức, có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn cấp cao Việt Nam tới sân bay Prestwick, Scotland bắt đầu tham dự Hội nghị thứ 26 các bên tham gia

Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Ảnh: TTXVN 

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt-Pháp đang trên đà phát triển tích cực. Thời gian gần đây, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Pháp đều nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quan hệ song phương trên mọi phương diện. Tháng 9-2013, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà nổi bật gần đây là chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3-2018 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe vào tháng 11-2018. Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác như: Ðối thoại chiến lược an ninh-quốc phòng, Ðối thoại cấp cao thường niên về kinh tế và Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng.

Trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, hợp tác kinh tế được xem là điểm nhấn quan trọng. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Đức, Anh, Hà Lan và Italy). Trao đổi thương mại song phương 7 tháng năm 2021 đạt 2,81 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử... và nhập khẩu các mặt hàng của Pháp như: Thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp-thực phẩm... Về đầu tư, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 140 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỷ USD. Pháp cũng là nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam trong EU, tập trung hỗ trợ vào 3 lĩnh vực ưu tiên là biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh.

Trong sự phát triển chung của quan hệ hai nước Việt Nam-Pháp, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương không ngừng được củng cố và phát triển. Hai nước đã ký Hiệp định hợp tác Thỏa thuận khung vào năm 1997, thống nhất tổ chức luân phiên hằng năm Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng (cấp Thứ trưởng). Cơ chế này được đổi tên thành Đối thoại chiến lược quốc phòng và tổ chức phiên họp đầu tiên vào tháng 7-2019. Tháng 9-2018, hai nước ký Thỏa thuận sửa đổi Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng ký năm 2009 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt-Pháp giai đoạn 2018-2028. Các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên được triển khai tương đối toàn diện như: Trao đổi đoàn, đào tạo, quân y, thủy đạc, gìn giữ hòa bình... Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước gần đây, hai bên nhất trí Việt Nam và Pháp là quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng.

Hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước hình thành và phát triển từ đầu thập niên 1980. Pháp luôn coi giáo dục-đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: Quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới... Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có gần 10.000 sinh viên (Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới). Pháp đứng thứ 7 trong các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm. Ðều là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Pháp ngữ.

Một trong những cầu nối quan trọng của quan hệ Pháp-Việt chính là cộng đồng người Việt Nam tại Pháp với hơn 300.000 người, phần lớn đã có quốc tịch Pháp. Tri thức là thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp với khoảng 40.000 Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thành công tốt đẹp, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp, đưa quan hệ hai nước đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, nhu cầu và lợi ích.

Nguồn QDDND
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập