image banner
Vận động người dân hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội qua thanh toán không dùng tiền mặt
Lượt xem: 22
Quy trình phối hợp của Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội qua thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối tượng triển khai là hơn 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
anh tin bai

Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1,2/2024 bằng tiền mặt tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: nhandan.vn)

Cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 885/BHXH-TCKT gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện quy trình phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia.

 Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, toàn quốc có khoảng hơn 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022. Tỷ lệ này vượt 4% chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

 Ngày 22/3/2024, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (sau đây gọi tắt là Quy trình). Từ đó, nhằm vận động, tuyên truyền người dân nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng.

 Đến nay, toàn quốc có khoảng hơn 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022.

 Để triển khai Quy trình phối hợp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh thực hiện một số nội dung sau.

 Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quy trình phối hợp. Trong đó, có giải pháp cụ thể để tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chủ động mở tài khoản ngân hàng (nếu chưa có tài khoản), đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; kết hợp với rà soát thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bảo đảm chi trả đúng người, kịp thời, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí chi trả.

 Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo bảo hiểm xã hội huyện phối hợp Công an huyện và các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện Quy trình phối hợp theo đúng lộ trình đã đặt ra.

 Bảo hiểm xã hội tỉnh theo dõi tiến độ, tổng hợp kết quả thực hiện và có báo cáo về Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi kết thúc Quy trình phối hợp. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Vụ Tài chính-Kế toán) để được hướng dẫn, giải quyết.

 Quy trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ, hiện nay, Cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

 Mục tiêu thực hiện là tăng tỷ lệ người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 Rà soát, xác thực người hưởng, tình trạng người hưởng để bảo đảm quản lý người hưởng chặt chẽ; chỉ trả đúng người hưởng, đúng chế độ; tránh lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.

 Đối tượng triển khai là người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, với hơn 3,3 triệu người hưởng.

 Nguyên tắc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 ngành, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, điện tử hóa để cập nhật dữ liệu lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đúng quy định của pháp luật, không phát sinh trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân so với các quy định hiện hành. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng.

 Đơn vị thực hiện là Bộ Công an (C06), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Vụ Tài chính-Kế toán, Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm xã hội, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Truyền thông) chủ trì và Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện; Cơ quan công an cấp huyện, Cơ quan Công an cấp xã.

 Quy trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

 Đối tượng triển khai là người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, với hơn 3,3 triệu người hưởng.

 Để người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ an sinh xã hội

 Phương thức thực hiện Quy trình nêu trên gồm 4 bước.

 Bước 1: Tuyên truyền để người hưởng nắm được chủ trương, phương thức triển khai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và người hưởng.

 Nội dung tuyên truyền về việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản. Đây là chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt. Đồng thời, khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau" trong công cuộc chuyển đổi số; góp phần vào công tác quản lý người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo đảm số tiền chi trả đúng người hưởng, nhanh chóng, kịp thời.

 Bước 2: Trích xuất, phân loại dữ liệu Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Trung tâm Công nghệ thông tin) thực hiện trích xuất dữ liệu người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng.

 Dữ liệu được chuyển cho Cục C06 và được Cục C06 chuyển xuống cho lực lượng công an xã theo hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Các tổ công tác cấp xã (lực lượng công an cấp xã/cảnh sát khu vực là nòng cốt; cán bộ bảo hiểm xã hội địa phương; phối hợp các ngân hàng (đặc biệt các ngân hàng bảo hiểm xã hội tỉnh huyện đã mở tài khoản chỉ hưu trí, tử tuất); công chức văn hóa-xã hội cấp xã, cán bộ bưu điện).

 Dữ liệu chuyển được phân loại theo 2 nhóm:

 Nhóm 1 là với dữ liệu đã trùng khớp giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu bảo hiểm, với khoảng 2,1 triệu người hưởng. Tổ công tác chủ động đi rà soát, xác minh tình trạng người hưởng, vận động chuyển hình thức nhận qua tài khoản cá nhân.

 Nhóm 2 là với dữ liệu chưa trùng khớp, chưa đầy đủ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu bảo hiểm, với khoảng 1,1 triệu người hưởng.

 Bộ phận nghiệp vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương phối hợp tổ công tác rà soát, xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu.

 Bước 3: Thực hiện vận động tuyên truyền đến từng người hưởng nhận chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng.

 Các tổ công tác cấp xã đến các điểm chi trả vào các kỳ chi trả để gặp trực tiếp người hưởng hoặc đến nhà theo địa chỉ của người hưởng (đối với người hưởng qua tài khoản, người hưởng ủy quyền, người hưởng già yếu, không đi lại được, người hưởng chưa gặp được tại điểm chi trả) và sử dụng bộ câu hỏi khảo sát (trong đó có nội dung chủ yếu: nhu cầu nhận qua tài khoản có/không; nếu không nêu cụ thể lý do: do nơi rút tiền quá xa do lo ngại việc bảo mật của ngân hàng do thói quen/lý do khác..) để phân loại các nhóm người hưởng mong muốn được nhận trợ cấp qua tài khoản hay tiền mặt.

 Đối với người hưởng đã có tài khoản và đăng ký nhận qua tài khoản, xác nhận lại việc đăng ký nhận tiền qua tài khoản, xác thực người hưởng và tình trạng người hưởng.

 Đối với người hưởng có tài khoản nhưng chưa đăng ký nhận qua tài khoản, vận động đăng ký nhận qua tài khoản (Cán bộ bảo hiểm xã hội hỗ trợ, hướng dẫn người hưởng kê khai mẫu 2-CBH để làm thủ tục chuyển hình thức nhận chế độ).

 Đối với người hưởng chưa có tài khoản: vận động, tuyên truyền việc mở tài khoản và nhận chế độ qua tài khoản (có cán bộ ngân hàng hỗ trợ trực tiếp làm thủ tục mở tài khoản cho người hưởng).

 Trường hợp người hưởng có mong muốn ủy quyền cho người khác nhận thay qua hình thức tài khoản hoặc không qua tài khoản thì có thể ủy quyền. Quy định về ủy quyền tuân thủ theo quy định của pháp luật về ủy quyền.

 Đối với người hưởng bất khả kháng không đăng ký được tài khoản (Người già yếu; không có khả năng đi lại, không có người nhận thay để ủy quyền) tiếp tục chi trả tại nhà qua tổ chức dịch vụ chi trả.

 Lưu ý, trong quá trình thực hiện, thông tin người hưởng được bổ sung, xác minh: công an xã thực hiện cập nhật thông tin đã được xác thực, làm sạch vào phần mềm nghiệp vụ để tổng hợp tại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 Bước 4: Cục C06 chuyển dữ liệu đã được chuẩn hóa, làm sạch cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cập nhật thông tin tài khoản tiền gửi của từng người hưởng đã được chuẩn hóa dữ liệu vào phần mềm VNeID (phân hệ này sẽ được thực hiện trong giai đoạn tiếp theo).

 Sau khi dữ liệu của 2 bên đã được chuẩn hóa, làm sạch, trong giai đoạn tiếp theo, các dữ liệu của người hưởng phát sinh mới, hoặc tình trạng của người hiện hưởng sẽ được kết nối, cập nhật định kỳ qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.

 Lộ trình thực hiện từ tháng 3/2024, hoàn thành trước tháng 10/2024. Sau đó, thực hiện thường xuyên, sau khi đã hoàn thành các bước trên.

Nguồn: nhandan.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập