image banner
Làm rõ mục tiêu ghi danh để bảo vệ di sản tốt hơn
Lượt xem: 24
Ghi danh di sản văn hóa phi vật thể không nhằm tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu, hay đem lại lợi ích vật chất, mà quan trọng nhất là bảo vệ di sản cho hiện tại và tương lai. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần thể hiện rõ chiều hướng này.

Có sự hiểu biết chưa đầy đủ về ghi danh

 Ghi danh di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là một nhiệm vụ được thể chế hóa theo Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và Luật Di sản văn hóa. Ghi danh được hiểu là đưa di sản vào các danh sách/danh mục với những điều khoản, điều kiện, tiêu chí theo quy định hiện hành của các văn kiện quốc tế và luật pháp Việt Nam. Dựa trên kinh nghiệm công tác về lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và quốc gia, GS.TS. Nguyễn Thị Hiền, Trường Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, trên thực tế, Luật Di sản văn hóa và một số văn bản dưới luật đã đưa ra những quy định về việc ghi danh.

 Theo đó, sau ghi danh, nguồn vốn đầu tư cho các dự án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã được Nhà nước quan tâm hơn. Các địa phương cũng có ngân sách để thực hiện các dự án bảo vệ. Việc ghi danh cũng tác động tới nhận thức, là nguồn động viên lớn đối với cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Rất nhiều tổ chức, đơn vị và những người quan tâm đến di sản đóng góp công sức, tiền bạc để cùng Nhà nước, cộng đồng bảo vệ, phát huy di sản.

anh tin bai

Ghi danh di sản văn hóa phi vật thể mang ý nghĩa, giá trị về văn hóa hơn là sự xếp hạng hay đẳng cấp

Đơn cử trường hợp hát Xoan Phú Thọ, sau khi được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2011), chính quyền, các cơ quan, tổ chức, nghệ nhân và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, cách làm cụ thể như cam kết trong hồ sơ ghi danh. Kết quả, chỉ sau 6 năm, hát Xoan Phú Thọ đã được phục hồi, chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017).

 Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào ba nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua. Trong đó có việc hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: “Chúng ta phải có những công cụ xác lập, tiêu chí của từng cấp độ; từ đó bảo vệ, phát huy tốt di sản thông qua công tác ghi danh, xếp hạng”.

 Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý, hỗ trợ nguồn lực để bảo vệ di sản sau ghi danh cũng đặt ra nhiều vấn đề. Đối với một số di sản văn hóa phi vật thể, việc xây dựng và triển khai chương trình hành động quốc gia như cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO chưa được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên, như Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, dân ca ví, giặm, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt... 

 GS.TS. Nguyễn Thị Hiền chỉ ra: “Có sự phân biệt đối xử và so sánh giữa các di sản, nhất là đối với di sản văn hóa phi vật thể. Một số địa phương đã coi sự ghi danh như một “thương hiệu quốc tế” để sử dụng với những mục đích khác nhau như quảng bá, phát triển du lịch hay lập kỷ lục… Đó là do hiểu biết chưa đầy đủ về sự ghi danh, mục tiêu thực sự của ghi danh”.

 Công cụ hữu ích để bảo vệ di sản

 Soi chiếu với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho rằng, với di sản phi vật thể, đưa ra vấn đề ghi danh, hủy bỏ ghi danh (nếu không còn đáp ứng tiêu chí) cần hết sức thận trọng. “Cần lường trước tình trạng các địa phương lấy ghi danh di sản như thành tích song không thực chất tạo điều kiện cho cộng đồng giữ gìn, phát huy di sản. Cần lường trước tình trạng một số loại hình núp bóng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, ví dụ sau khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO ghi danh thì những yếu tố mê tín dị đoan phát triển tràn lan, dưới dạng hầu đồng”.

 Khoản 2, Điều 16, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh trên địa bàn. Đối với di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh có phân bố trên địa bàn 2 tỉnh trở lên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hồ sơ khoa học ghi danh có trách nhiệm chủ trì lập đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản, lấy ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân các tỉnh còn lại trước khi ban hành. PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, điều này cần hết sức cân nhắc, bởi lẽ di sản không/chưa được ghi danh vẫn cần được bảo vệ và phát huy.

 Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể không phải là những giá trị nổi bật toàn cầu, tầm quốc tế, mà cơ bản di sản đó có chức năng, ý nghĩa với cộng đồng chủ nhân và được cộng đồng coi là bản sắc, sự kế tục giữa các thế hệ. Với những tiêu chí này thì sự ghi danh mang ý nghĩa, giá trị về văn hóa hơn là sự xếp hạng hay đẳng cấp. Việc ghi danh đóng vai trò khá quan trọng trong điều chỉnh, bổ sung luật pháp, cũng như làm thay đổi cách nhìn nhận, bảo vệ và phát huy di sản. 

 Để tránh tình trạng “hiểu lầm” việc ghi danh khiến di sản đặc sắc hơn, giá trị hơn di sản chưa được ghi danh, theo GS.TS. Nguyễn Thị Hiền, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần có những điều khoản cụ thể về mục đích ghi danh, hướng tới bảo vệ di sản tốt hơn, gắn với phát triển bền vững. 

Nguồn: daibieunhandan.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập