image banner
Hội thảo Đề cương chi tiết Tài liệu lịch sử, Tài liệu Địa lí tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 207
Sáng ngày 20/10/2023 Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo Đề cương chi tiết tài liệu lịch sử, tài liệu địa lí tỉnh Lào Cai tại Hội trường Ban chấp hành trụ sở Tỉnh ủy.  Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND và đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì Hội thảo.

Đã có gần 80 đại biểu là các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan; Thường trực, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Tuyên huấn của 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các trường chuyên nghiệp, Trường chính trị và các Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh tham dự Hội thảo.  

Theo báo cáo đề dẫn Hội thảo của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nêu rõ: Nhằm nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử, địa lí tỉnh Lào Cai cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, năm 2008, Hội đồng biên soạn giáo trình lịch sử và địa lý tỉnh Lào Cai đã xuất bản hai cuốn giáo trình: Giáo trình Lịch sử tỉnh Lào Cai và Giáo trình địa lý tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, tài liệu được biên soạn và đưa vào sử dụng đã 15 năm qua, vì vậy đến nay, nhiều thông tin trong tài liệu đã cũ, điều kiện kinh tế - xã hội, địa giới hành chính, tên gọi và thông tin về sự phát triển của tỉnh, nhất là qua hơn 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển đã có nhiều đổi thay cần được bổ sung, cập nhật để tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân. Xuất phát từ mục đích tiếp tục nâng cao nhận thức truyền thống lịch sử văn hóa, con người và vùng đất Lào Cai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, niềm tự hào về quê hương, tạo động lực thi đua, khơi dậy khát vọng phát triển xây dựng quê hương Lào Cai. Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo đã tiến hành biên soạn hai cuốn tài liệu lịch sử và địa lí tỉnh Lào Cai.

Về bản thảo đề cương hai cuốn tài liệu, ban biên soạn bước đầu xây dựng bản thảo đề cương theo bố cục và kết cấu cụ thể như sau: Tài liệu lịch sử tỉnh Lào Cai gồm 6 phần: Lào Cai từ khởi nguyên đến khi thành lập tỉnh (1907); giai đoạn đến năm 1930; giai đoạn đến năm 1950; giai đoạn đến năm 1975; giai đoạn đến năm 1990 và giai đoạn 30 năm tỉnh Lào Cai tái lập, đổi mới và phát triển (1991 - 2021).

Đề cương tài liệu địa lý tỉnh Lào Cai gồm 5 phần, gồm: Điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội tỉnh Lào Cai; địa lí nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Lào Cai; địa lí công nghiệp tỉnh Lào Cai; địa lí dịch vụ và du lịch tỉnh Lào Cai; định hướng phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch tỉnh Lào Cai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội thảo, đã có 15 ý kiến của các đại biểu tham gia hết sức sôi nổi vào kết cấu, bố cục, nội dung, các dữ liệu, cách trình bày, phương pháp tiếp cận... của đề cương tài liệu chi tiết lịch sử, địa lí tỉnh Lào Cai.

Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hai cuốn tài liệu mới cần đề cao tính kế thừa nguồn tài liệu cũ của tỉnh, nội dung bổ sung, hiệu chỉnh cần phải sát thực, khoa học, hợp lý với yêu cầu của tài liệu. Các dữ liệu về lịch sử, địa lí bổ chỉnh lý, bổ sung vào tài liệu lịch sử, địa lí của tỉnh cần bám sát nguồn thông tin, tài liệu của quốc gia, đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ, chính xác, khách quan, khoa học. Để hạn chế thấp nhất việc ngại học sử, học địa, đặc biệt là với tài liệu lịch sử, địa lí của địa phương. Do vậy việc biên soạn tài liệu cần tính tới đối tượng phục vụ, đảm bảo tính cô đọng, khái quát, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.

Về cuốn lịch sử cần xác định rõ đây là tài liệu lịch sử địa phương vì vậy trong quá trình biên soạn cần tôn trọng tính đúng đắn, chính xác, khách quan của lịch sử, đặc biệt là các mốc sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nổi bật qua các thời kì lịch sử. Kết cấu tài liệu có sự cân đối, hài hòa giữa các thời kỳ, bám sát vào lịch sử Việt Nam để không có việc phân chia, khác biệt giữa lịch sử địa phương và lịch sử chung của dân tộc.

Về cuốn địa lí, cần có sự thay đổi, cách tiếp cận mới, rõ nét hơn các tài liệu trước đây của tỉnh đã ban hành. Cần có sự bổ sung, chỉnh lý thông tin sát với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các thông tin, dữ liệu mới của tỉnh giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2021. Ví dụ: Thông tin về quy hoạch tỉnh Lào Cai đã được Chính phủ phê duyệt, thông tin về các trữ lượng khoáng sản, tài nguyên của Lào Cai mới phát hiện, đánh giá. Có thể nghiên cứu phân chia thành 2 phần: Phần 1: Địa lí tỉnh Lào Cai; Phần 2: Tiềm năng và định hướng phát triển.

Tại Hội thảo các đại biểu đều thống nhất cao việc xuất bản hai cuốn tài liệu lịch sử, địa lí tỉnh Lào Cai sẽ cung cấp nguồn tài liệu vô cùng quan trọng, thiết thực, phục vụ hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh./.

 

Đỗ Hiền- BTGTU
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập