image banner
Từ trận “Điện Biên Phủ trên không” đến Hiệp định Pari năm 1973
Lượt xem: 73

Tối 18-12-1972, hàng đàn máy bay B.52 của Mỹ tiến vào bầu trời Hà Nội, mở đầu cuộc oanh kích mang mật danh Linebacker 2 (Tiền vệ 2), thường được gọi là “Đợt ném bom Lễ Giáng sinh”. Sau 12 ngày đêm kiên cường chống trả của quân dân ta, trận đánh mang một cái tên đi vào lịch sử - trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ngày 27-1-1973, tại Pari, bốn đoàn đàm phán: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa ký vào bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, thường gọi tắt là “Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973”. Hai sự kiện cách nhau chừng một tháng, xa nhau về địa lý - Hà Nội và Pari - nhưng có mối liên hệ với nhau như thế nào? Có thể thấy trong vấn đề này những luận điểm khác nhau giữa các học giả nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam.

Từ khoá: Điện Biên Phủ trên không; Hiệp định Pari

Tối 18-12-1972, hàng đàn máy bay B.52 của Mỹ tiến vào bầu trời Hà Nội, mở đầu cuộc oanh kích mang mật danh Linebacker 2 (Tiền vệ 2), thường được gọi là “Đợt ném bom Lễ Giáng sinh”. Sau 12 ngày đêm kiên cường chống trả của quân dân ta, trận đánh mang một cái tên đi vào lịch sử - trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ngày 27-1-1973, tại Pari, bốn đoàn đàm phán: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa ký vào bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, thường gọi tắt là “Hiệp định Pari về Việt Nam năm 1973”. Hai sự kiện cách nhau chừng một tháng, xa nhau về địa lý - Hà Nội và Pari - nhưng có mối liên hệ với nhau như thế nào? Có thể thấy trong vấn đề này những luận điểm khác nhau giữa các học giả nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam.

Từ khoá: Điện Biên Phủ trên không; Hiệp định Pari

 

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris
ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

 

Trước hết, hãy xem Tổng thống Mỹ R. Nixon - tác giả chính của cuộc oanh kích B.52 - nói gì? Trong Hồi ký của mình, ông ta viết: “Lệnh tiếp tục ném bom trước lễ Noel là quyết định khó khăn nhất mà tôi phải làm trong cuộc chiến tranh này, nhưng đây cũng là quyết định rõ ràng nhất và cần thiết nhất”, “nếu tôi không đủ can đảm để đi đến quyết định khó khăn ngày 18 tháng 12 thì chúng ta sẽ không có được ngày hôm nay”1. Có nghĩa là - theo ông ta - nhờ trận ném bom cuối tháng 12, Hiệp định mới được ký vào tháng 1 năm sau.

Cùng theo chiều hướng này, một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng chiến dịch B.52, nhất là trận tàn sát đêm 26-12 đã buộc Bắc Việt Nam phải trở lại bàn đàm phán và chấp nhận ký Hiệp định. Phải chăng sự thực là như vậy? Có thể căn cứ vào mấy điểm sau đây để lý giải vấn đề này.
Thứ nhất, việc ngừng họp tại Pari ngày 13-12 phản ánh sự bế tắc trong tranh luận về vấn đề khu phi quân sự giới tuyến, nhưng không có nghĩa là cắt đứt đàm phán, vì cả hai bên không ai có ý rời bỏ cuộc thương lượng đã gần đến hồi kết. Sau khi tấn công bằng B.52 vào Hà Nội và bị thiệt hại nặng nề, ngày 22-12, phía Mỹ đã chủ động đưa ra đề nghị gặp lại vào ngày 26-12. Nhưng “Ta chủ trương không vội vã trả lời. Trả lời sớm, Mỹ có thể hiểu lầm. Đây cũng là dịp phát huy chiến thắng trên chiến trường”2. Chiều ngày 26, Việt Nam gửi công hàm trả lời cuộc gặp Lê Đức Thọ - Kissinger sẽ trở lại vào ngày 8-1-1973.

Lưu ý rằng chiều ngày 26-12, Hà Nội gửi công hàm trả lời trước khi máy bay Mỹ đánh phá dữ dội Bệnh viện Bạch Mai và khu đông dân Khâm Thiên vào đêm 26. Thực ra, ngay từ trước đó nhiều ngày, khi cuộc đàm phán đang tiến hành thì Tổng thống Mỹ đã chỉ thị cho Cố vấn Kissinger về khả năng đánh phá quyết liệt Hà Nội: “Nếu cuộc họp của ông hôm nay không kết thúc bằng một hiệp định thì chúng ta sẽ tiến hành những cuộc oanh tạc ác liệt chưa từng thấy tại Bắc Việt Nam (...). Phải nhằm vào Hà Nội và Hải Phòng bằng các máy bay B.523. Cho nên cuộc tập kích dưới mật danh Linebacker 2 vốn nằm trong ý đồ của Nhà Trắng từ lâu rồi, chí ít cũng là từ tháng 4 khi Nixon quyết định ném bom trở lại miền Bắc.

Thứ hai, thiệt hại về B.52 là đòn bất ngờ đối với phía Mỹ. Trong Nhật ký, Nixon ghi lại: “Ngày 20 tháng 12 là ngày thứ ba của các trận không tập chống Bắc Việt Nam. 99 chiếc B.52 tấn công 11 mục tiêu thành ba đợt. Sáu chiếc đã bị mất. Ngày 21, 30 chiếc B.52 tấn công ba mục tiêu, 2 máy bay bị mất. Trong tuần lễ thứ nhất này, mối lo nhất của tôi không phải là làn sóng phê phán đến từ trong nước hoặc ngoài nước như đã dự kiến mà là tầm quan trọng của những tổn thất bằng B.524. Giới quân sự Mỹ cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã mất nhiều máy bay và không thấy trước được cái giá phải trả cao như vậy. Ngay với con số được (Mỹ) thừa nhận thì cũng có nghĩa, tổn thất của B.52 là trên 10% trong 10 ngày, một con số cao hơn con số mà các phi công có thể chấp nhận được và do đó đã làm cho họ mất tinh thần”5. Chính sự tổn thất của số lượng B.52 đã làm giảm sút “uy thế không lực Hoa Kỳ”, làm cho Nixon lo lắng và đánh dấu chiến thắng của Việt Nam như một trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Thứ ba, quyết định tấn công bằng B.52, Nhà Trắng đứng trước sự phản kháng gay gắt của dư luận trong nước và quốc tế. Báo chí Mỹ và thế giới dùng nhiều lời chỉ trích thậm tệ trước hành động tàn sát này, buộc tội Nixon “hành động như một tên bạo chúa bị chọc tức” (New York Times), “chính sách tàn nhẫn và khó hiểu đến nỗi hàng triệu người Mỹ phải xấu hổ và hoài nghi về sự sáng suốt của Tổng thống”, “một hành động bạo lực vô nghĩa làm vấy bẩn thanh danh nước Mỹ” (Washington Post), “Nixon đã cố ném bom hết lần này đến lần khác hòng buộc Hà Nội phải đầu hàng. Những nỗ lực này trước đây đã không đem lại kết quả gì và bây giờ cũng vậy” (St Louis Post Dispatch). Các đồng minh thân cận của Mỹ như Australia, Canada và cả Tòa Thánh Vatican đều lên tiếng buộc tội gay gắt hành động của Nixon. Ngay trong hàng ngũ phi công Mỹ cũng nảy sinh tâm lý hoang mang: “Những tổn thất này đã gây ra sự bất đồng trong phi hành đoàn. Nhiều phi công tin rằng phương án bay đã làm tăng nguy cơ bị bắn hạ. Sau khi một trong số các phi công gửi thư cho Thượng nghị sĩ bang Maryland phê phán không lực Hoa Kỳ và cách hướng dẫn bay của họ, lời thỉnh cầu này đã thu hút sự chú ý của công chúng”6. Cuộc ném bom đã “gây nên sự căm phẫn trên khắp thế giới. Liên Xô, Trung Quốc giận dữ phản đối, thật trái ngược hẳn với thái độ kiềm chế của họ hồi tháng 5. Còn phản ứng trong nước thì đầy choáng váng và giận dữ, lên án Nixon là điên dại và buộc tội ông ta đã tiến hành chiến tranh để thỏa mãn cơn tức giận”7. Kisinger chua chát nhìn nhận: “Không một sự kiện nào liên quan đến chính sách đối ngoại trong thời kỳ làm Tổng thông của Nixon tạo ra sự căm phẫn nhiều bằng sự kiện ném bom vào dịp Noel8. Trước áp lực như vậy, Tổng thống Mỹ không thể không tính đến việc ngừng chiến dịch oanh kích và trở lại cuộc đàm phán.
Thứ tư, Tổng thống còn chịu sức ép của phiên họp Quốc hội sẽ tiến hành ngày 3-1- 1973 để bỏ phiếu về việc chấm dứt ngân sách viện trợ chiến tranh Việt Nam. Nhiều lời tuyên bố của các nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện đã báo hiệu thái độ phản ứng của họ trước việc theo đuổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam9. Trên cương vị Tổng thống, Nixon không thể để rơi vào thế bị động, nghĩa là để sau khi Quốc hội cắt ngân sách chiến tranh thì mới ra lệnh ngừng ném bom. Cái giới hạn thời gian đó rất có ý nghĩa đối với việc phải tuyên bố chấm dứt chiến dịch ném bom vào ngày 30-12. Việc quyết định chấm dứt chiến dịch B.52 giúp cho Tổng thống giữ được thế chủ động, dù chỉ vài ngày trước phiên họp Quốc hội.

Thứ năm, nếu như đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải trở lại Hội nghị Pari trong thế yếu kém sau chiến dịch B.52, thì chắc chắn các nhà thương thuyết Hoa Kỳ phải biết lợi dụng tình thế này để ép sửa lại nhiều điều khoản nhằm mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ và thỏa mãn đòi hỏi của chính quyền Sài Gòn. Nhưng so sánh một cách cẩn trọng bản Dự thảo tháng 10-1972 với bản Hiệp định tháng 1-1973 thì thấy nội dung cơ bản không khác nhau ngoài một vài thay đổi chi tiết, câu chữ, nghĩa là phía Mỹ không tiến lên được một bước quan trọng nào sau trận oanh kích dữ dội Hà Nội trong 12 ngày đêm. Vậy Tổng thống Mỹ quyết định chiến dịch ném bom “Linebacker 2” nhằm mục đích gì?

Trước hết, nhằm gây áp lực tối đa đối với Việt Nam, tuy có gây thiệt hại nhiều về sinh mạng và tài sản nhưng cuối cùng không khuất phục được ý chí của người Việt Nam. Mục đích thứ hai, nhằm làm cho Nguyễn Văn Thiệu thấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ trước những đòi hỏi của Sài Gòn, nhưng đây cũng chỉ là “đòn làm phép” khi nội dung của Hiệp định không thay đổi. Mục đích thứ ba, nhằm thể hiện việc ký Hiệp định “trên thế mạnh” của Hoa Kỳ, để giành được cái gọi là “hòa bình trong danh dự”. Điều này mang yếu tố tâm lý nhiều hơn, và ít nhất cũng xoa dịu phần nào nỗi đau tinh thần của những người cố tình theo đuổi cuộc chiến hàng chục năm qua.
Nhưng đáp lại lời tuyên bố “Hòa bình trong danh dự” của Tổng thống Nixon, nhà sử học người Mỹ Larry Berman đã viết cả một công trình nghiên cứu có tựa đề Không hòa bình, chẳng danh dự và dành hẳn Chương 12 để phân tích “Hòa bình trong danh dự của Nixon”. Ở đó, những lời phát biểu của các nhân vật trong chính quyền Sài Gòn được trích dẫn: “Nixon dùng chữ hòa bình trong danh dự như một câu nói cao đạo với tính cách đạo đức giả và tự lừa dối” (Nguyễn Cao Kỳ - cựu Phó Tổng thống); “Họ bảo họ muốn có một giải pháp danh dự nhưng thực ra họ phủi tay khỏi mọi rắc rối rồi bỏ chạy” (Bùi Diễm - cựu Đại sứ tại Hoa Kỳ)10.
Một học giả người Mỹ khác - George C.Herring viết: “Sau này, Nixon và Kissinger tuyên bố cái gọi là đợt ném bom vào Lễ Giáng sinh đã buộc Bắc Việt Nam phải chấp nhận một giải pháp thỏa mãn ý muốn của Mỹ, nhưng hoàn toàn không phải như vậy” Lập luận ông nêu lên là “cuộc ném bom không đem lại một giải pháp khác hẳn giải pháp mà Mỹ đã bác bỏ trước đây”, “những thay đổi so với thỏa thuận hồi tháng 10 chỉ là hình thức”11 Hoặc như Gareth Porter viết: “Vụ ném bom Hà Nội, Hải Phòng thất bại cả về mặt chính trị và quân sự”, “nó đã buộc Nixon và Kissinger phải chấp nhận chính những điều khoản mà họ đã bác bỏ trong tháng Mười, Mười một, Mười hai”12. Nguyễn Phú Đức - cố vấn của Thiệu - nêu nhận xét: “Mỹ mất nhiều máy bay B.52 bị hạ bằng tên lửa đất đối không trong những trận ném bom. Bắc Việt Nam bị nhiều thiệt hại nhưng không vội vàng đến bàn thương lượng vì những người lãnh đạo Bắc Việt Nam biết chịu đựng các cuộc ném bom không chút dao động để buộc người Mỹ phải nhượng bộ13.
Nhìn vào thực tiễn của cuộc chiến tranh khi đó từ Hà Nội, có thể cảm nhận khí thế của quân và dân trên các trận địa phòng không. Đêm thảm sát 26-12 không gây nên sự run sợ mà đảo ngược lại là lòng căm phẫn và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân Việt Nam. Đây chính là điều mà học giả nước ngoài khó hình dung về tinh thần và khí thế Việt Nam trước những cuộc thảm sát dữ dội của Mỹ. Và chính “Chiến thắng của quân dân Việt Nam đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay B.52 của Mỹ có ý nghĩa quyết định cục diện chung. Đấu tranh ngoại giao góp phần động viên dư luận, mở đường cho việc trở lại tình hình trước ngày 18-12-1972 để nối lại đàm phán và ta sẽ đến Hội nghị trên thế chiến thắng”14.
Việc ký kết Hiệp định Pari năm 1973 đánh dấu một thắng lợi tổng hợp trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo việc Mỹ sẽ đưa B.52 đánh vào Hà Nội trước khi chịu rút khỏi cuộc chiến. Thực tế chiến tranh đã diễn ra đúng như vậy, và chính chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã buộc người Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari trên nền tảng của những thỏa thuận tháng Mười.


Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 1/2013

1, 3, 4. R. Nixon: Hồi ký, Nxb CAND, H, 2004, tr. 904, 900-903, 919 và 907.

Những đoạn in nghiêng là của tác giả bài này để nhấn mạnh
2, 14. Nguyễn Khắc Huỳnh: Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Pari, Nxb CTQG, H, 2012, tr. 134

5. Mỹ đã phải trả giá đắt với 34 máy bay B.52 và 47 chiếc khác bị bắn rơi, phía Mỹ công bố 2 con số tương ứng là 15 và 11 và 44 phi công bị bắt. Xem Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb QĐND, H, 1991, T.2, tr. 131
6. 12. P. Asselin: Nền hòa binh mong manh. Washington, Hà Nội và tiến trình của Hiệp định Paris, Nxb CTQG, H, 2005, tr. 225, 248

7, 11. G.C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb CTQG, H,1998, tr. 326, 326-327

8. H. Kissinger: Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Nxb TTXVN, H, 2007, T.2, tr 270
9. Ngày 2-1-1973, các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã biểu quyết 154/74 phiếu đòi cắt mọi khoản viện trợ cho chiến tranh Đông Dương trừ ngân khoản chi dùng vào việc đưa tù binh và binh lính Mỹ về nước. Ngày 4-1-1973, các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Thượng viện cũng biểu quyết 36/12 phiếu với nội dung tương tự. Quốc hội khóa 93 chuẩn bị dự thảo nghị quyết buộc Tổng thống Hoa Kỳ phải chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở Việt Nam. (Tham khảo Larry Berman: Không hòa bình, chẳng danh dự, Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam. Nxb VIET TIDE, Bản tiếng Việt, New York, 2003, tr. 297

10. Larry Berman: Sđd, tr.312

13. Nguyễn Phú Đức: Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam? Nxb Lao động, H, 2009, tr. 345

GS VŨ DƯƠNG NINH Đại học Quốc gia Hà Nội
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập