image banner
CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH LÀO CAI NỀN TẢNG VÀ ĐỘNG LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN
Lượt xem: 214

Năm 2022, hoạt động chuyển đổi số tỉnh Lào Cai tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả tích cực và toàn diện, bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số đã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển toàn diện, bứt phá của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới.

Tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Để nâng cao nhận thức, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã kiện toàn lại ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm trưởng ban. Tổ chức học, tập huấn về chuyển đổi số cho địa phương cấp xã trên nền tảng trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông cho học viên là các cán bộ lãnh đạo các xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra tỉnh còn đào tạo tập huấn về an toàn thông tin và chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin với 03 lớp đào tạo về an toàn thông tin cho 81 cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin (ATTT) trên địa bàn tỉnh; 08 lớp đào tạo chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT cho 1.037 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Công tác truyền thông về chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thành công 07 cuộc thi trắc nghiệm trên Internet tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ tỉnh và tìm hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước với sự tham gia của 5,8 triệu lượt người tham gia. Đồng thời xây dựng chuyên trang chuyển đổi số của tỉnh tại địa chỉ https://chuyendoiso.laocai.gov.vn với số lượng tin bài là trên 80 tin, tần suất đăng tin: trung bình 01 lần/ngày. Các chuyên mục Chuyển đổi số đã được tạo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Cách làm đó đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa và mục tiêu của chuyển đổi số tỉnh Lào Cai thời gian qua.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số

Theo thống kê, tỉnh Lào Cai hiện có 1.542/1.562 thôn, tổ dân phố (tương đương đạt tỷ lệ 98,7%) được phủ sóng truyền hình tại khu vực trung tâm, các khu vực tập trung dân cư. Toàn tỉnh có 1.510/1.562 thôn, tổ dân phố (đạt tỷ lệ 96,7%) có hạ tầng đảm bảo việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng di động (3G, 4G) tại các khu vực trung tâm, khu vực tập trung đông người. Đối với hạ tầng cung cấp dịch vụ truy cập internet băng rộng cố định (cáp quang) cũng đạt tỷ lệ 79,3% số thôn, tổ dân phố. Tỉnh đã triển khai 15/15 điểm phát sóng Wifi công cộng phục vụ du khách và nhân dân trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa theo chương trình hợp tác với Tập đoàn Viettel.

Để đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đánh giá và nâng cấp hạ tầng Trung tâm mạng thông tin của tỉnh; nâng cấp hệ thống mạng WAN, LAN tại trụ sở các hợp khối 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; Triển khai mạng LAN cho 45 xã thuộc 4 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Khai trương Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tại địa chỉ http://htdn.laocai.gov.vn để phục vụ chỉ đạo, điều hành của tỉnh; công khai, minh bạch thông tin; hỗ trợ tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp.

Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số

Tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp Cổng dịch vụ công và kết nối thành công trên môi trường chính thức với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư gắn với đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh đã đạt 89,5% thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Tích hợp 1.330/1.761 dịch vụ công toàn trình lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 75,5%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 194 cơ quan, đơn vị, địa phương ký hợp đồng sử dụng biên lai điện tử; và có 37,6% cơ quan, đơn vị, địa phương đã xuất biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh đã đạt 87%, cấp huyện đạt 86%, cấp xã 84%.

Hầu hết các cơ quan đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã xử lý trên office đạt trên 80%. Tỷ lệ văn bản đi được ký số tại các cơ quan cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 77,6%, cấp xã, phường, thị trấn đạt 60%. Việc xếp lịch đã được 100% các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đăng ký lịch công tác hàng tuần, hàng tháng của lãnh đạo. Hệ thống quản lý phòng họp không giấy các cơ quan đơn vị đang tiến hành triển khai, thực hiện với 16/22 đơn vị đưa vào ứng dụng thực hiện. 

anh tin bai

(Trung tâm giám sát, điều hành thông minh - “Bộ não số” của chính quyền tỉnh Lào Cai)

Về phát triển kinh tế số, đến nay trên địa bàn tỉnh 100% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện đào tạo cho tổ công nghệ số cộng đồng và lồng ghép với nhiệm vụ đưa sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử. Thực hiện đưa 104/120 (đạt 86,6%) sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. 100% các chủ thể đã có tài khoản thanh toán điện tử. 100% sản phẩm OCOP đã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử  tỉnh Lào Cai (laocaitrade.vn). Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có điện thoại di động đạt 98% với 440.213 máy điện thoại di động. 100% cơ sở y tế được phủ sóng di động 2G, 3G hoặc 4G. 100% cơ sở y tế hạ tầng sẵn có để kết nối dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định (cáp quang). Toàn tỉnh đã đạt 99% số thôn, tổ dân phố có Tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của 6.806 thành viên với lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên tại các thôn, tổ dân phố.

Tỉnh đã triển khai bộ phần mềm du lịch thông minh, cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai với trên 4 triệu lượt truy cập.  100% trạm y tế đã triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Ngành giáo dục xây dựng môi trường học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống khảo thí, ngân hàng đề thi, thi trực tuyến, tổ chức dạy học trực tuyến, thi trực tuyến tại các trường học. 100% các bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã được trang bị và sử dụng phần mềm quản lý bến xe để truyền dữ liệu hoạt động tại bến xe về cơ quan quản lý nhà nước theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Các dịch vụ điện, nước, vệ sinh môi trường đã bước đầu thực hiện thanh toán điện tử. Thực hiện kết nối các hệ thống camera giám sát an ninh trật tự về Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Lào Cai.

Với những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực chuyển đổi số thời gian qua đã góp phần đưa Lào Cai phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 tháng năm 2022 đạt trên 9%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 7,8 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 62/127 xã duy trì và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 35 nghìn tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD. Tổng lượng khách đến Lào Cai đạt trên 3,9 triệu lượt khách, doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn. Tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 12.948 lao động. Công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đưa dịch vụ công mức độ 3, 4 của Lào Cai xếp thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều đạt kết quả toàn diện và vững chắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động chuyển đổi số tỉnh Lào Cai vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 52 thôn trắng sóng 3G, 4G; 323 thôn chưa có dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định. Tỷ lệ ngầm hóa, gọn hóa cáp viễn thông, tỷ lệ dùng chung hạ tầng còn rất thấp. Hoạt động bưu chính ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, việc duy trì điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) còn khó khăn do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất xuống cấp. Việc triển khai các nền tảng số, quy hoạch dữ liệu, xây dựng dữ liệu dùng chung còn hạn chế; chưa tạo lập được kho dữ liệu, hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành. Việc thanh toán điện tử, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh.

Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau.

Một là, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi thông qua tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ công nghệ số cộng đồng. Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua phương tiện thông tin đại chúng và tổ công nghệ số cộng đồng. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp có các nền tảng số cho doanh nghiệp; tổ chức hội nghị hướng dẫn, thực hiện tài trợ các giải pháp ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Hai là, chú trọng việc xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số. Cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành quy định, quy chế quản lý vận hành, sử dụng các nền tảng, dữ liệu. Ban hành chính sách hỗ trợ người dân phí, lệ phí trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Có chính sách thu hút, ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số; chính sách thuê chuyên gia; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chuyển đổi số cũng như kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025.

Ba là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng và nền tảng số gắn với xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Cần sớm có giải pháp xóa các vùng lõm sóng di động, chưa có hạ tầng viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển trung tâm dữ liệu tỉnh dựa trên công nghệ điện toán đám mây kết hợp với việc thuê trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp. Thực hiện thanh toán trực tuyến, hóa đơn điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế và xã hội số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên cơ sở đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Thực hiện cấp mã định danh điện tử, chữ ký số cá nhân cho các các nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Triển khai ứng dụng App công dân (công dân số) trên phạm vi toàn tỉnh và tích hợp các dịch vụ thiết yếu vào cổng dịch vụ công của tỉnh.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trên các mặt quản lý, kinh tế, xã hội. Tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Thực hiện thành công chuyển đổi số ở địa phương sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

TS. Dương Đức Huy, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập