image banner
Khi nông dân trở thành công nhân
Lượt xem: 107
Việc có nhiều nhà máy ở các làng quê trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã “níu chân” người lao động ở lại quê hương. Họ đã thành công nhân ăn cơm nhà, làm việc tại làng... Nhiều vùng quê Lào Cai hôm nay đã bớt đi những lao động phải ly hương, mưu sinh nơi đất khách.

 

Đất canh tác ít, không có nghề phụ nên nhiều lao động vùng nông thôn thường phải rời quê đi làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp xa nhà. Người ở lại “bám trụ” với ruộng đồng thì thu nhập bấp bênh.
Gần 1 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày tháng vạ vật nơi đất khách quê người, anh Lưu Hồng Sơn, thôn Lùng Vai, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương vẫn lắc đầu ngao ngán. Anh từng có 6 năm làm việc ở một công ty may mặc tại Hà Nội. Năm 2017, anh lập gia đình và cùng vợ về Hưng Yên làm nghề sản xuất bao bì. Cuộc sống đô thị đắt đỏ, bao thứ phải chi tiêu nên vợ chồng làm thêm cật lực, mỗi tháng cũng chỉ có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Năm 2018, vợ sinh con, không may cháu bị khuyết tật bẩm sinh, một mình anh Sơn ở lại Hưng Yên làm việc. Hằng tháng, ngoài chi phí sinh hoạt, anh còn phải lo gửi tiền về chữa trị bệnh cho con nên không còn dư dả là bao. Anh Sơn bảo: Ở quê làm ra đồng tiền khó quá nên chúng tôi mới phải tha hương, cố gắng làm lụng, chắt chiu mong dành dụm được ít vốn. Đi rồi mới thấy không đâu bằng sống và làm việc ngay trên chính quê hương mình. Năm 2019, tôi quyết định trở về và tìm việc gần nhà để thuận tiện chăm sóc vợ con.

Sau những ngày tháng "ly hương", nhiều người lao động trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Anh Nguyễn Văn Ngà, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai từng làm nghề lái xe tại Lào Cai. Năm 2017, anh tìm được công việc cắt vải tại Gia Lâm (Hà Nội). Năm đầu tiên, lương chỉ đủ trang trải và thuê trọ. Ngoài giờ làm khoán, anh còn làm tăng ca để có thêm thu nhập. Làm việc vất vả như vậy nhưng anh Ngà không tích lũy được là bao. “Đã nhiều lần tôi có ý định về quê sống cùng bố mẹ già, nhưng đất canh tác không có, trong tay chỉ có mỗi nghề may công nghiệp, chẳng biết xin vào đâu” - anh Ngà tâm sự.

Nhiều người dân quanh năm gắn bó với các loại cây trồng.

Ông Trần Quang Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hòa cho biết: Về mặt tích cực, khi một lượng lớn lao động nông thôn rời địa phương đi làm việc ngoài tỉnh sẽ góp phần giải quyết được việc làm, từng bước cải thiện cuộc sống của người lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái là gây thiếu hụt lao động theo mùa vụ tại địa phương, nguồn nhân lực không đáp ứng khi nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng tăng.

Những năm gần đây, sự xuất hiện của những nhà máy ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã “níu chân” nhiều lao động ở lại quê hương. Thay vì phải biền biệt mưu sinh ở nơi “đất khách, quê người””, hoặc hằng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, những đôi bàn tay chai sần đã được rèn luyện thành những đôi tay người thợ lành nghề. Người dân có thêm thu nhập, đồng thời gắn bó và dành toàn tâm, toàn ý với mảnh đất nơi đã sinh ra mình.

Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương ký hợp đồng dài hạn với 17 lao động ở xã Lùng Vai và hơn 200 lao động thời vụ.

7 giờ sáng, tại phân xưởng chế biến dứa của Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương đã rộn ràng tiếng máy. Chị Vùi Thị Dân, thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương tâm sự: Từ khi vào làm công nhân ở Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương, với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/tháng, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình cũng như việc ăn học của 2 con được ổn định hơn. Thời gian rảnh rỗi, tôi vẫn có thể tranh thủ chăm sóc chè để tăng thêm thu nhập.
Chị Trần Thị Tuyên, thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai hào hứng tiếp lời: Trước khi vào làm chính thức, tôi được nhà máy tạo điều kiện cho theo học lớp sơ cấp nghề 3 tháng, sau thời gian thử việc, tôi được ký hợp đồng dài hạn và được phân công làm Tổ trưởng Tổ sản xuất. Từ khi làm công nhân, có đồng lương ổn định, lại làm việc gần nhà nên rất yên tâm. Năm vừa rồi, nhà máy còn tổ chức cho công nhân đi nghỉ dưỡng ở Hạ Long (Quảng Ninh). Đó cũng là lần đầu tiên được đi du lịch, tôi rất vui và muốn được gắn bó lâu dài với nhà máy.
Ông Hoàng Phú Cường, Phó Giám đốc Nhà máy Chế biến rau, quả xuất khẩu Mường Khương cho biết: Nhà máy đã ký hợp đồng làm việc dài hạn với 17 lao động là người dân xã Lùng Vai. Vào thời điểm chính vụ thu hoạch dứa (từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau), nhà máy có hơn 200 lao động thời vụ, đa số là người dân xã Lùng Vai và các xã lân cận. Do đặc thù công việc không đòi hỏi trình độ cao, nếu ai chưa biết làm sẽ được đào tạo, học nghề, nếu làm việc chăm chỉ, mỗi công nhân có thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Anh Sơn vừa bán chè cho hợp tác xã, vừa có thêm thu nhập khi làm công nhân tại đây.

Sau khi quyết định trở về quê hương lập nghiệp, anh Lưu Hồng Sơn, thôn Lùng Vai, xã Lùng Vai được tuyển dụng vào làm việc tại Hợp tác xã Chè Mường Khương. “Tôi được làm việc gần nhà, có thêm thời gian sinh hoạt, gắn bó với gia đình, nuôi dạy con. Tôi còn trồng thêm chè để bán cho hợp tác xã, có thêm thu nhập” - anh Sơn nói.
Ông Vàng Khái Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Vai cho biết: Lùng Vai là xã vùng thấp của huyện Mường Khương, với 90% người dân chủ yếu trồng chè. Trên địa bàn xã hiện có 2 nhà máy chế biến rau, quả xuất khẩu và chế biến chè xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Khi làm việc tại các nhà máy, nhiều nông dân trở thành công nhân lành nghề, vận hành máy móc thành thạo.

Trở về quê hương sau quãng thời gian làm ăn xa, anh Nguyễn Văn Ngà, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai vui mừng khi biết Nhà máy May thêu chuyên may hàng xuất khẩu đóng trên địa bàn xã tuyển công nhân. Không đắn đo, anh nộp đơn xin vào làm. “Hiện thu nhập của tôi đạt 8 triệu đồng/tháng. Không chỉ thu nhập ổn định, tôi còn được gần gia đình. Ngoài thời gian làm việc tại nhà máy, tôi còn chăn nuôi thêm gà, lợn” - anh Ngà chia sẻ.
Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2022, Nhà máy May thêu xuất khẩu thuộc Tổng Công ty Babeeni Việt Nam, đóng trên địa bàn xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai) đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 350 lao động địa phương. Ông Trịnh Nguyễn Phương, quản lý nhà máy cho biết: 100% người lao động tại nhà máy được hưởng các chế độ đãi ngộ như lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong tổng số 350 người đang làm việc tại nhà máy, có khoảng 130 người là người dân xã Vạn Hòa và phường Lào Cai. Chúng tôi luôn ưu tiên tuyển dụng lao động ngay tại địa phương. Nếu người lao động chưa có tay nghề sẽ được nhà máy đào tạo và được hỗ trợ một phần chí phí ăn, ở trong thời gian học nghề.

Trong tổng số 350 người đang làm việc tại Nhà máy May thêu xuất khẩu thuộc Tổng Công ty Babeeni Việt Nam có khoảng 130 người dân xã Vạn Hòa và phường Lào Cai (thành phố Lào Cai).

Nói về hiệu quả khi các nhà máy được xây dựng tại địa phương, ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, tỉnh Lào Cai nói chung và các địa phương trên địa bàn tỉnh nói riêng đang tạo điều kiện để thu hút thêm nhiều công ty, doanh nghiệp đến đầu tư. Việc các địa phương có nhà máy đứng chân, không chỉ tạo điều kiện cho loại hình kinh doanh dịch vụ - thương mại phát triển, làm thay đổi diện mạo làng quê, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, mà còn giúp giải quyết bài toán tạo việc làm cho người lao động. Điều đáng nói, hầu hết lao động trước khi đến làm việc tại các nhà máy thường không có việc làm ổn định, rất thiếu các kỹ năng để tham gia thị trường lao động. Hiện đã có hàng nghìn lao động Lào Cai có việc làm thường xuyên, góp phần tạo ổn định xã hội cho các làng quê.
Từ những miền quê thanh bình, nhiều nhà máy được xây dựng đã giúp người lao động không phải ly hương, biền biệt mưu sinh nơi đất khách. Hằng ngày, trong dòng người tấp nập, những nông dân “chân lấm, tay bùn” thuở nào lại hối hả đến nhà máy mang theo bao hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập