image banner
Tầm nhìn và lợi ích
Lượt xem: 189
Hôm rồi, tôi đến nhà người bạn ở một khu phố tại phía Nam thành phố Lào Cai. Tuyến phố chỉ dài hơn nửa km nhưng phải cần gần 20 phút để di chuyển, tốc độ thường thấy mỗi khi bị tắc đường tại những đô thị lớn.

 

Đại lộ Trần Hưng Đạo, huyết mạch giao thông chiều Nam - Bắc của thành phố Lào Cai.   Ảnh: Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai.

Không phải đường xấu, cũng không phải mật độ giao thông lớn, mà vì nhà bạn tôi nằm trên một tuyến đường được quy hoạch quá chật, lòng đường nhỏ, hè đường cũng hẹp. Nếu có hai xe ô tô gia đình (xe con) đỗ song song dưới lòng đường thì xe thứ 3 chắc chắn không thể đi qua. Không ai bảo ai, người dân ở khu phố này đều hình thành thói quen đỗ ghếch một nửa xe lên vỉa hè (tất nhiên là vi phạm quy định), nhưng dẫu thế thì việc lưu thông vẫn rất khó khăn.

Lòng đường hẹp là thực trạng ở nhiều tuyến phố (ảnh chụp tại một tuyến phố thuộc phường Nam Cường, thành phố Lào Cai).

Không chỉ tuyến phố nói trên mà nhiều tuyến phố nằm trong các tiểu khu đô thị tại thành phố Lào Cai đều có đặc điểm là lòng đường, hè đường hẹp. Sẽ là bình thường nếu xây dựng 20 năm trước, nhưng đây là các tuyến phố mới được đầu tư, với quy mô này thì chưa đưa vào sử dụng đã lạc hậu. Sự khó khăn, bất tiện trong lưu thông là hiển nhiên, bởi mật độ dân số thành phố ngày càng cao và thành phố Lào Cai từng được ghi nhận là đô thị có tỷ lệ xe ô tô/hộ dân cao top đầu cả nước.

Tôi đem băn khoăn này bày tỏ với một cán bộ lãnh đạo của thành phố Lào Cai và được thông tin thêm: Hiện có nhiều tuyến phố đã và đang được điều chỉnh, nâng cấp theo hướng cơi nới, can mép để mở rộng lòng đường lên tối thiểu 7,5 m nhằm đáp ứng tiêu chí đô thị loại I mà thành phố đang nỗ lực phấn đấu.

Một tiểu khu đô thị phía Nam thành phố Lào Cai gặp khó trong việc bán sản phẩm, mà một trong những lý do

là lòng đường chật chội.

Mở rộng lòng đường, ngoài chuyện tốn kém tiền của mà vẫn chắp vá, thiếu đồng bộ thì việc thi công còn gây ra những bất tiện cho hoạt động giao thông. Nhưng dẫu vậy điều đó vẫn là cần thiết, bởi không thể được coi là đô thị văn minh, hiện đại khi lòng đường chỉ đủ cho hai xe ô tô con tránh nhau. Hầu hết các phố đang được mở rộng là công trình cũ, được quy hoạch, đầu tư từ cách đây cả chục năm, do nhu cầu giao thông - vận tải và nguồn lực thời điểm đó, còn hiện tại thì sao?

Không phải các chủ đầu tư khu đô thị không nhận thấy bất cập, nhưng vì đất dành cho công trình công cộng, cho lòng đường, hè phố càng rộng thì đất thương mại (đất ở) càng hẹp, suất đầu tư ban đầu càng lớn, trong khi lợi ích của doanh nghiệp, chủ đầu tư liên quan trực tiếp đến quỹ đất thương mại. Vậy nên phương án tiết kiệm tối đa diện tích đất xây dựng công trình giao thông đã được chủ đầu tư lựa chọn.

Vậy nhưng việc cắt giảm diện tích đất dành cho các công trình công cộng tại các dự án tiểu khu đô thị có phải là quyết định đúng đắn của nhà đầu tư? Hãy nhìn vào thực tế sự ế ẩm tại một số tiểu khu đô thị mới trên địa bàn. Khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp rõ ràng sẽ rất băn khoăn khi bỏ tiền để mua đất ở những tuyến phố có lòng đường, vỉa hè chật chội. Câu chuyện lợi ích mà nhà đầu tư theo đuổi đã bị ảnh hưởng bởi chính tầm nhìn của họ, cố tạo ra quỹ đất thương mại lớn bằng cách hạn chế quỹ đất dành cho các công trình công cộng, giao thông.

Cách đây gần 20 năm, Lào Cai là địa phương đầu tiên ở khu vực Tây Bắc mở mới một trục đường rộng tới 58 m với 8 làn đường, vỉa hè hai bên có đoạn rộng tới gần 20 m, dải phân cách cũng rộng. Không ít người tự hỏi: “Đường để ai đi mà rộng thế?”. Đúng là thời điểm ấy, tuyến đường có khá ít phương tiện qua lại, nhưng đến nay thì khác, đại lộ Trần Hưng Đạo cho thấy giá trị của công tác quy hoạch, không chỉ không bị lạc lậu sau ngần ấy thời gian, mà sẽ còn đáp ứng tốt với nhu cầu phát triển tương lai. Đó chính là tầm nhìn, hãy để tầm nhìn mang đến lợi ích, chứ đừng để lợi ích che khuất tầm nhìn.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập