image banner
Cần chuẩn hóa số liệu thống kê tảo hôn trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 703
Đó là chỉ đạo của đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác dân tộc năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị diễn ra vào chiều ngày 10/1.

Dự hội nghị, có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của tỉnh. Đại diện UBND các huyện, thành phố, thị xã dự hội nghị qua điểm cầu trực tuyến.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 nhưng việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được đảm bảo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách dân tộc đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới; khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được tăng cường, đồng bào các dân tộc tuyệt đối tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đặc biệt, tỉnh và các địa phương tích cực thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 179 trường hợp từ bỏ ý định tảo hôn, trong đó có 55 học sinh đã trở về đi học. Tình trạng kết hôn cận huyết thống cơ bản chấm dứt.

Đại biểu các huyện, thành phố, thị xã dự hội nghị qua điểm cầu trực tuyến.

Tuy nhiên, trong năm 2021, theo báo cáo của các địa phương, trên địa bàn tỉnh có 201 người vi phạm tảo hôn, 676 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu, 642 trẻ em chưa được cấp giấy khai sinh. Thực hiện các Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, một số xã, thôn không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn, trên địa bàn tỉnh có 128.404 người bị ảnh hưởng không được hưởng các chính sách an sinh xã hội đối với vùng đặc biệt khó khăn (trong đó: lĩnh vực giáo dục 28.495 người; y tế 95.374 người; CBCC,VC người lao động 4.279 người; chính sách khác 256 người).

Tại hội nghị, vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là làm rõ hơn thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Các đại  biểu cũng đề xuất giảm mức thu học phí đối với học sinh, tăng mức hỗ trợ học sinh bán trú,  kéo dài chính sách hỗ trợ đối với xã vùng III đã đạt chuẩn nông thôn mới; sớm cấp kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn; duy trì mức tặng quà người có uy tín dịp lễ, tết…

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Năm 2022, để thực hiện tốt công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh và phòng dân tộc các huyện, thành phố, thị xã làm tốt công tác tham mưu, thực hiện tốt các chỉ thị của Tỉnh ủy về công tác dân tộc, đặc biệt là về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ban Dân tộc và UBND các địa phương cần chuẩn hóa về số liệu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để đưa ra các giải pháp sát với thực tế và hiệu quả; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học, trong đội ngũ người có uy tín, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đại diện Chi cục Dân số - KHHGĐ phát biểu ý kiến.

Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, giáo viên các trường nội trú, chính sách về bảo hiểm y tế với học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, Ban Dân tộc và UBND các địa phương rà soát các chương trình, dự án liên quan đến công tác dân tộc để khi được phân bổ nguồn vốn sẽ triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập