image banner
Cần kết nối kinh tế hộ
Lượt xem: 210
Kinh tế hộ gia đình giống như những tế bào đơn lẻ, là một đơn vị sản xuất tương đối độc lập nhưng lại có vai trò, sức ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế nông nghiệp. Thế nhưng, kinh tế hộ đang đứng trước những thách thức bởi sự tác động của kinh tế thị trường, vô tình trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế tập thể - xu hướng trong giai đoạn tới.

 

Nông dân Lùng Vai (Mường Khương) liên kết với doanh nghiệp sản xuất chè hàng hóa.

Đã hoàn thành sứ mệnh

Giai đoạn cuối thập niên 80, khi phong trào hợp tác xã (kiểu cũ) mất dần động lực phát triển đã tạo nên dấu mốc quan trọng khi để kinh tế hộ nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ trong nông nghiệp. Đến đầu thập niên 90, các nông, lâm trường cũng sắp xếp lại tổ chức và đổi mới cơ chế quản lý, các hộ được nhận đất khoán và hoạt động dưới hình thức kinh tế hộ. Thời điểm đó, việc giao quyền sử dụng đất lâu dài đã làm hộ gia đình trở thành đơn vị sản xuất độc lập, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Bà Chang Thị Liên, thôn Na Hạ, xã Lùng Vai (Mường Khương) từng là công nhân Nông trường chè Thanh Bình (tiền thân của Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình bây giờ). Theo hồi ức của bà Liên, giai đoạn những năm 80, khi nông trường vẫn hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể, công nhân lao động trên toàn bộ diện tích lớn do nông trường quản lý. Với nhiều lý do, năng suất lao động có những thời điểm không đạt yêu cầu dẫn tới nhiều công nhân phải nộp phạt, thậm chí có lần người lao động của nông trường đình công. Sự việc chỉ được giải quyết khi vào những năm 90, công nhân tại các nông trường được chia đất sản xuất. Diện tích chè mỗi gia đình nhận được tương ứng với số lao động của gia đình đó. “Việc chia đất về sản xuất theo từng gia đình đã mang lại sự thay đổi cho người dân nơi đây. Đất nhà ai, chè nhà ai người ấy ra sức chăm bón, nông trường sẽ thu mua sản phẩm chè búp tươi cho bà con. Người dân phấn khởi vô cùng”, bà Liên nhớ lại.

Cây chè chỉ là một trong những minh chứng nhỏ trong chính sách chuyển đổi từ kinh tế tập thể sang kinh tế hộ. Vào thời điểm đó, kinh tế hộ đã mang lại những thay đổi cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, sức lao động được giải phóng, nâng cao năng suất, sản lượng, mở mang những ngành nghề mới. Với mô hình kinh tế hộ, người dân thường kết hợp nhiều hoạt động sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp để nâng cao thu nhập. Nhiều hộ có trình độ sản xuất, đầu tư thâm canh đã thoát ra khỏi sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp, vươn lên sản xuất hàng hóa, trở thành một mắt xích quan trọng của kinh tế nông nghiệp. Sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn đã được các đơn vị sản xuất độc lập là các hộ gia đình hoàn thành trong giai đoạn tái kiến thiết nền kinh tế của tỉnh từ thập niên 90 đến nay.

Để không là rào cản

Đã có nhiều hộ ở nông thôn nhanh chóng thoát nghèo, có thu nhập khá từ mô hình kinh tế nông nghiệp. Thế nhưng, những hộ giàu lên từ làm nông nghiệp theo mô hình kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Các mô hình mang lại thu nhập cao cũng chủ yếu từ việc đầu tư khoa học - kỹ thuật hoặc vận dụng sáng tạo vào sản xuất. Còn đối với những mô hình kinh tế hộ đơn thuần với vườn - ao - chuồng thì hiệu quả kinh tế nói chung chưa cao. Điều này tạo nên sự chênh lệch rất lớn về thu nhập giữa những ngành nghề khác trong lĩnh vực thương mại, vận tải, xây dựng, dịch vụ… với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế hộ thường chịu nhiều rủi ro bởi những tác động từ thiên tai, dịch bệnh và cả những biến động từ thị trường. Gia đình anh Lù Văn Thành, thôn Bản Lọt, xã Bản Cầm (Bảo Thắng) có kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài cấy lúa, trồng ngô để đảm bảo lương thực và phục vụ chăn nuôi, gia đình anh trồng thêm dứa. Anh Thành bộc bạc: Trồng dứa năm được giá, năm phải đổ đi vì không ai mua. Nhìn chung, ai đến mua giá cao hơn thì gia đình bán cho người đó chứ chưa có hợp đồng sản xuất với đơn vị nào cả. Làm nông mà, may nhờ, rủi chịu thôi chứ biết làm sao!

“May nhờ, rủi chịu” cũng là tư duy sản xuất chính đối với những mô hình kinh tế hộ. Nhiều hộ rơi vào cảnh thua thiệt khi đưa sản phẩm nông nghiệp của mình ra khỏi lũy tre làng, nhất là ở những nơi người dân sản xuất tự phát, không có sự liên kết với doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Nông dân có sức lao động, có đất đai, đó là những tư liệu sản xuất căn bản của sản xuất nông nghiệp, thế nhưng, để sản phẩm nông nghiệp từ các hộ nông dân bước chân được tới thị trường người tiêu dùng lại là hành trình dài. Khả năng tìm kiếm đầu ra, dự báo thị trường vốn không phải thế mạnh của những người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vai trò nặng nề ấy chỉ được thực hiện tốt khi những hộ nông dân đơn lẻ kết nối lại theo mô hình kinh tế tập thể, có tổ hợp tác, hợp tác xã, có sự tham gia của doanh nghiệp. Đồng nghĩa với đó, tư duy sản xuất của những mô hình kinh tế hộ, mạnh ai nấy làm trở thành rào cản cho sự phát triển chung của kinh tế nông nghiệp. Bởi vậy, thay vì chỉ sản xuất đơn thuần như một tế bào đơn lẻ và độc lập trong nền kinh tế thị trường, những mô hình kinh tế hộ đã đến lúc cần kết nối, sản xuất theo những loại cây trồng, vật nuôi chủ lực để tạo nên vùng hàng hóa với những tiêu chuẩn chung, tạo ra những sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng, mẫu mã đồng đều. Những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, có bàn tay của hợp tác xã, doanh nghiệp như vùng trồng chè, dứa ở Mường Khương, vùng trồng chuối ở Bát Xát, vùng trồng dược liệu ở Bắc Hà hoặc vùng chăn nuôi trọng điểm tại Bảo Thắng… đã khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp chịu nhiều tác động của kinh tế thị trường.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định: Mô hình sản xuất nông nghiệp theo kinh tế hộ đã hoàn thành sứ mệnh đối với nền nông nghiệp của tỉnh. Trong bối cảnh hiện nay, nông dân cần liên kết lại, tạo tiền đề cho sự phát triển của kinh tế tập thể, đã đến lúc phải nghĩ đến sản xuất theo tiêu chuẩn, tạo ra số lượng đủ lớn theo hướng hàng hóa. Đây là xu hướng chung, đảm bảo tính bền vững, giảm rủi ro cho nông dân và tăng sức cạnh tranh của các loại nông sản khi bước chân ra thị trường.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập