image banner
Gặp mặt 100 đại biểu người có uy tín trong dân tộc Mông
Lượt xem: 183
Sáng 3/10, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương 100 đại biểu người có uy tín tiêu biểu trong dân tộc Mông thuộc 2 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai.

Dự hội nghị có đồng chí Lý Thị Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ban, ngành, đơn vị của tỉnh.

DSC_9422.JPG
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lý Thị Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Tỉnh Lào Cai rất quan tâm, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người có uy tín trong dân tộc Mông. Hội nghị lần này là để ghi nhận, biểu dương thành tích mà đại biểu người có uy tín đã đạt được trong những năm qua, đồng thời cũng là dịp để các đại biểu người có uy tín trao đổi kinh nghiệm và đề xuất với tỉnh, với huyện các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông trong phát triển kinh tế, cải tạo hủ tục, phòng chống tảo hôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở các địa phương.

z4749031648386_0a92f5c20409082ad09de5954eb7b651.jpg
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lý Thị Vinh phát biểu khai mạc hội nghị.

Sau 32 năm tái lập tỉnh, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của đồng bào, đến nay 100% đường ô tô đến trung tâm các xã đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông; tỷ lệ hộ dân người dân tộc Mông được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 96%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện phù hợp đạt hơn 97%; trẻ trong độ tuổi 4 - 5 tuổi đến trường đạt 99,2%; có hơn 90% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 có thể đọc, viết tiếng phổ thông. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Mông đã có nhiều chuyển biến: Đồng bào đoàn kết, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và đồng lòng, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị, đại biểu người có uy tín đã được thông tin những nội dung mới, cập nhật về giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách dân tộc, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương.

 
z4749031647388_8990758676bee3e4117b45d825e3b788.jpg

Các đại biểu người có uy tín cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết đồng bào dân tộc Mông; tiếp tục có thêm chương trình, chính sách hỗ trợ để đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn minh, giàu đẹp.

z4748845877247_9edfb44d36656ce70d566f8eeff48a6b.jpg
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh trao quà cho đại biểu người có uy tín.

Tại hội nghị, đại biểu người có uy tín đã tham luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông. Sau đây là một số ý kiến tiêu biểu:

Nêu gương để vận động Nhân dân trồng cây ăn quả ôn đới

DSC_9427.JPG
Ông Ly Xuân Lẩu, thôn Sừ Pà Phìn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai.

Khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền về chủ trương phát triển cây ăn quả ôn đới, tôi nhận thấy đây là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo điểm đến tham quan, ngắm cảnh, thu hút khách du lịch. Tôi đã cùng người thân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mận, cây lê. Hiện gia đình tôi đã trồng 500 cây mận, cây lê, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Để vận động bà con, tôi cùng cán bộ thôn, người có uy tín đến các gia đình để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho người dân. Thấy hiệu quả thực tế, bà con trong thôn đã tin tưởng làm theo. Từ đó, mô hình trồng cây ăn quả ôn đới ở thôn Sừ Pà Phìn được nhân rộng ra toàn xã. Đến nay, xã Quan Hồ Thẩn trồng 307 ha cây ăn quả ôn đới, trong đó cây mận là 20,5 ha (giá trị đạt khoảng 320 triệu đồng/năm), cây lê là 44,7 ha (giá trị khoảng 1,34 tỷ đồng).

Đẩy lùi hủ tục

DSC_9433.JPG
Ông Tráng A Vu, thôn Tẩn Chư, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà.

Tả Van Chư là xã vùng cao của huyện Bắc Hà, điều kiện kinh tế, đời sống của người dân còn khó khăn. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, bị tác động bởi các quan niệm cũ, chưa đổi mới tư duy về xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, còn tồn tại một số hủ tục như: Đám tang kéo dài, tảo hôn...

Đẩy lùi hủ tục, từ năm 2003, tôi đã tuyên truyền trong dòng họ, trong thôn, khi có người chết thì gia đình đưa vào áo quan, không tổ chức đám tang dài ngày, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, trong dòng họ của tôi và các dòng họ khác đều làm tốt các quy định về tổ chức đám tang.

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, tôi đã cùng cán bộ xã, thôn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào về quy định pháp luật về hôn nhân, gia đình. Từ năm 2018 đến năm 2022, tôi trực tiếp tham gia cùng đoàn cán bộ của xã trực tiếp ngăn chặn thành công 6 các vụ tảo hôn, 3 vụ có biểu hiện tảo hôn ở các thôn trên địa bàn.

Vận động đồng bào tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

DSC_9444.JPG
Ông Giàng Seo Gia, Bí thư chi bộ thôn Dào Dềnh Sáng, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai.

Thôn Dào Dềnh Sáng, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai có hơn 3,5 km đường biên giới. Góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới, đảm bảo an ninh, trật tự vùng biên, những năm qua, tôi đã tham mưu cho Chi bộ, phối hợp cùng Đồn Biên phòng Si Ma Cai tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân nội dung cơ bản của các văn kiện pháp luật về bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, trật tự. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng qua các buổi tuyên truyền pháp luật, phát thanh lưu động hay lồng gắn trong họp thôn, đến từng gia đình để trao đổi. Nhờ đó, người dân trong thôn dần nâng cao nhận thức, hiểu biết, nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, không có các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Tôi cũng phối hợp với Đồn Biên phòng Si Ma Cai thành lập và tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc giới với 5 thành viên. Hằng tháng, thành viên tổ tự quản tham gia cùng bộ đội biên phòng trong công tác tuần tra, vệ sinh khu vực biên giới. Thành viên tổ tự quản nói riêng, người dân trong thôn nói chung nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời báo tin cho lực lượng chức năng những thông tin, biểu hiện bất thường liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự vùng biên.

Trong thôn, một số hộ có tham gia sinh hoạt tôn giáo, tôi đã thường xuyên thăm hỏi, nắm tình hình, động viên bà con sinh hoạt tôn giáo đúng quy định, hăng hái lao động, sản xuất để có cuộc sống ấm no.

Theo nguồn Báo Lào Cai Điện tử
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập