image banner
Ly nông bất ly hương - “Bài toán” về chuyển dịch cơ cấu lao động ở Lào Cai
Lượt xem: 525
Lào Cai qua 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển đã đạt được bước tiến dài trên hành trình từ một trong sáu tỉnh nghèo nhất của cả nước, trở thành tỉnh phát triển của khu vực. Đóng góp vào những thành công chung ấy không thể không kể đến những dấu ấn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường kiểm tra quy hoạch trung tâm cụm xã Bản Liền (Bắc Hà).

Đại dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những câu hỏi lớn cho các nhà quản lý ở góc độ lao động và việc làm. Theo Tổng cục Thống kê, đợt dịch thứ tư, trong khoảng 2 tháng, từ tháng 7 đến ngày 15/9/2021, cả nước đã có hơn 1,3 triệu lao động từ các đô thị lớn và các tỉnh có khu công nghiệp đã về quê tránh dịch và chưa có kế hoạch trở lại để tiếp tục làm việc, điều này gây ra những xáo trộn không nhỏ trong chuỗi cung ứng lao động, làm gián đoạn chuỗi sản xuất. Vậy làm thế nào để giải “bài toán” công ăn việc làm cho người lao động có thể sống được trên chính mảnh đất của mình mà không cần đi làm ăn xa? Đây là vấn đề đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, đó chính là lời giải cho “bài toán” ly nông bất ly hương, vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong chuyển dịch cơ cấu lao động tỉnh Lào Cai giai đoạn tiếp theo.

Ly nông bất ly hương có thể hiểu một cách đơn giản là người dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất phi nông nghiệp (công nghiệp, du lịch và dịch vụ) mà không phải rời xa quê hương. Thay vì phải rời quê hương đến làm việc tại các khu công nghiệp hoặc làm dịch vụ ở thành phố lớn, thì người dân có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp được mở ở ngay quê nhà và sử dụng nguồn lao động phổ thông tại địa phương… Theo số liệu thống kê, hiện nay khoảng 80% công nhân tại các khu đô thị chưa có nhà cửa ổn định. Với mức thu nhập hiện nay, họ phải chấp nhận thuê trọ trong những căn nhà tồi tàn, cuộc sống tằn tiện mới đủ trang trải cuộc sống. Vì thế, được trở về quê và có việc làm ngay tại các nhà máy ở quê là niềm mong ước của rất nhiều công nhân. Với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng, ở quê họ có thể sống tốt, đi làm có thể về nhà, tiêu dùng với mức chi phí hợp lý ở quê nhà, thậm chí có thể tích lũy để chăm lo cho cuộc sống gia đình trong tương lai. Vì vậy, nếu giải quyết được vấn đề lao động và việc làm khu vực nông thôn không chỉ góp phần quan trọng nâng cao mức sống cho người dân, giúp giảm khoảng cách phát triển và áp lực lao động cho khu vực thành thị mà còn giúp người lao động nông thôn thêm gắn bó và dành toàn tâm toàn ý với mảnh đất nơi đã sinh ra mình.

Cách làm này đến nay đã có nhiều địa phương trên cả nước áp dụng rất thành công và góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề lao động và việc làm cho người nông dân. Đối với tỉnh Lào Cai, một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc với quy mô dân số trên 74 vạn người, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm 73,6%, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 chiếm 8,2% dân số. Những năm qua, mặc dù cơ cấu lao động ở Lào Cai đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp, dịch vụ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và đất nước nhưng nhìn chung còn chậm. Năm 2020, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khá cao (chiếm 55,7%), tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 56,8%. Tuy nhiên, Lào Cai hiện vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 61,7% dân số, đây là những thuận lợi rất căn bản để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, phát huy lợi thế dân số vàng của địa phương.

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh Lào Cai tiếp tục chuyển dịch giữa các ngành kinh tế theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tỷ trọng nông nghiệp giảm trung bình 0,958%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và có xu hướng giảm chậm 0,172%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020; tỷ trọng ngành công nghiệp tăng trung bình 1,39%/năm trong cả giai đoạn 2011 - 2020; tỷ trọng ngành dịch vụ giảm 0,8%/năm (do từ đầu năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19). Năm 2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh Lào Cai: Nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 14,72%; công nghiệp - xây dựng chiếm 45,23%; dịch vụ chiếm 40,05%. Quá trình tái cơ cấu ngành và lao động trong khu vực nông nghiệp đã được triển khai tích cực, tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp giá trị cao và bền vững vẫn chưa thực sự phổ biến. Thực tế cho thấy sự dịch chuyển này đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động tại các địa phương, nhất là khu vực nông thôn. Vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay ở nhiều địa phương trên cả nước có nhiều mô hình, nhất là các mô hình sản xuất theo chuỗi, các doanh nghiệp vệ tinh, nghĩa là các doanh nghiệp lớn có bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) ở thành phố lớn để tiếp cận khoa học công nghệ mới, còn các nhà máy sản xuất thì tổ chức ở vùng ven đô, vùng nông thôn để có mặt bằng, gần nguồn lao động phổ thông, có như vậy vừa giảm được giá thành và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cách làm đó cần được nghiên cứu, vận dụng và cụ thể hóa vào điều kiện thực tiễn của Lào Cai để tập trung giải quyết vấn đề lao động, việc làm ở khu vực nông thôn để mỗi người nông dân thêm yêu quê hương, gắn bó với quê hương, sống hạnh phúc trên chính quê hương của mình.

Đào tạo kỹ năng du lịch cộng đồng cho lao động nông thôn tại Y Tý (Bát Xát).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 624,8 triệu USD. Thời gian tới, Lào Cai tiếp tục thu hút các dự án FDI mới hứa hẹn sẽ tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động địa phương...

Ngoài ra, để nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, định hướng được thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản của tỉnh, ngày 1/4/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt “Đề án phát triển mạng lưới chế biến nông - lâm sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, đề án được phê duyệt với mục tiêu chung đến năm 2025, giá trị sản xuất 12 sản phẩm phục vụ chế biến nông - lâm - thủy sản đạt 12.828,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm. Phát triển 41 cơ sở chế biến nông - lâm sản và thủy sản và 4 nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản được sử dụng máy móc, trang - thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chế biến và bảo quản sản phẩm nông - lâm sản. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển 15 cơ sở chế biến nông - lâm sản và thủy sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và có cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Các dự án này sẽ tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho khoảng 14.000 lao động địa phương, góp phần giảm áp lực về mặt xã hội, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỉ lệ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những lợi thế rất lớn cần được chuẩn bị kỹ về nguồn nhân lực để giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm khu vực nông thôn ở Lào Cai.

Vì vậy, để giải “bài toán” ly nông bất ly hương và đón kịp xu thế phát triển trong giai đoạn tới, Lào Cai cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp.

Một là,  tiếp tục rà soát và ban hành các chính sách nhằm thu hút đầu tư, tạo thêm việc làm cho khu vực phi nông nghiệp và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn tập trung vào các dự án sử dụng nhiều lao động; tăng cường cung cấp tín dụng cho hoạt động phi nông nghiệp, khuyến khích chế biến nông sản, kinh doanh nông nghiệp ở quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa; khuyến khích bằng các đòn bẩy tài chính đối với doanh nghiệp mới thành lập ở khu vực nông thôn và doanh nghiệp chuyển từ thành thị về nông thôn.

Hai là, nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ lao động, nhất là lao động nông thôn, nông nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền đến người lao động nông thôn, nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn nghề phù hợp; đào tạo nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Làm tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, giải phóng lao động, tạo động lực để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Tăng đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, từ đó làm thay đổi cơ cấu lao động theo hướng tăng nhu cầu lao động phi nông nghiệp; phát triển mạnh khu vực công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn và thành thị.

Ba là, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hướng về xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, giày da, chế biến nông - lâm sản, du lịch...

Bốn là, thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho lực lượng lao động tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, qua đó, kết nối cung - cầu lao động, làm cho thị trường lao động vận hành tốt và hiệu quả. Khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm các quy định hiện hành về ký hợp đồng lao động, thực hiện an toàn lao động và đóng bảo hiểm lao động cho người lao động. Khuyến khích và hỗ trợ người lao động tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện, linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng; bổ sung các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động...; có chính sách đóng hưởng hợp lý đối với những lao động trung niên không đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Có thể khẳng định, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết vấn đề lao động, việc làm khu vực nông thôn sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở Lào Cai.

 

Trịnh Xuân Trường

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập