image banner
Tạo sinh kế giúp người nghèo vươn lên
Lượt xem: 293
Những năm gần đây, với phương châm “cho cần câu chứ không cho cá”, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang chung tay, giúp sức để các hộ dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Phong trào tiết kiệm của phụ nữ

Năm 2020, bà Giàng Thị Sú ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình (Bắc Hà) tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Thực hiện quyết định này là do gia đình bà đã có nguồn thu ổn định từ phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa. Bà Giàng Thị Sú cho biết: Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và nguồn quỹ tiết kiệm của Hội Phụ nữ xã, gia đình tôi có vốn đầu tư chăn nuôi lợn đen. Cùng với đó, được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, mỗi năm gia đình tôi xuất bán 2 đàn lợn thịt, có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, từng bước thoát nghèo.

Hoạt động nhân ái, chia sẻ khó khăn với phụ nữ.

Ngoài hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, một số cơ sở hội phụ nữ còn có sáng kiến xây dựng mô hình gây quỹ tiết kiệm tại chỗ, điển hình như Hội Phụ nữ xã Bảo Hà (Bảo Yên). “Ở khu vực trung tâm, có điều kiện phát triển kinh tế thì chúng tôi vận động hội viên tiết kiệm bằng hình thức đóng góp 5.000 đồng/tháng. Đối với những nơi có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đưa ra định hướng cho chi hội nhận duy tu kênh mương, bảo dưỡng đường bê tông nông thôn. Tuy thù lao không nhiều, nhưng là một trong những cách làm để có thêm nguồn quỹ giúp đỡ những hội viên khó khăn”, bà Lương Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bảo Hà (Bảo Yên) cho biết.

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng, duy trì 322 mô hình học tập và làm theo Bác thông qua các hoạt động như triển khai “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Bao thóc vàng”, “Nuôi lợn nhựa”... Từ các mô hình này, các cấp hội đã tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng, giúp đỡ khoảng 800 hội viên, phụ nữ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp.

“Đòn bẩy” giúp nông dân thoát nghèo

Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh, giai đoạn 2011 - 2020, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã thực hiện 104 dự án, giải quyết hồ sơ, thủ tục cho gần 1.800 hộ vay vốn, đạt trên 59 tỷ đồng.

Từ nguồn quỹ này, nhiều mô hình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế được triển khai, qua đó phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương. Tiêu biểu như mô hình trồng cam tại xã Lương Sơn (Bảo Yên); trồng lê, đào, hoa ly, địa lan, cây dược liệu tại Sa Pa; trồng na dai tại huyện Bảo Thắng; mận Tam hoa tại thị trấn Bắc Hà (Bắc Hà)… đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình đạt mức thu nhập lên đến 80 - 100 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Văn Thắng ở bản Bát, xã Yên Sơn (Bảo  Yên) là 1 trong 20 hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để tham gia dự án nuôi bò sinh sản. Được vay 40 triệu đồng, anh Thắng đã mua 2 cặp bò mẹ - con về nuôi. Sau 3 năm, gia đình anh có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ mô hình này và còn trở thành hộ chuyên cung cấp bò giống cho người dân trên địa bàn.

Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân chính là đòn bẩy giúp cho các hộ nông dân thêm tự tin để triển khai hiệu quả những mô hình phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Thành lập “Tổ thu gom phế liệu” để gây quỹ giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thanh niên giúp thanh niên thoát nghèo

Năm 2021, Huyện đoàn Bát Xát đã hỗ trợ, giúp đỡ 86 hộ đoàn viên thoát nghèo, thông qua nhiều hoạt động như hỗ trợ làm nhà ở, cung cấp giống cây, giống vật nuôi và các dịch vụ cho sản xuất... Anh Nguyễn Xuân Hùng, Phó Bí thư Huyện đoàn Bát Xát thông tin: “Tùy tình hình thực tế tại mỗi gia đình đoàn viên, thanh niên, chúng tôi lựa chọn những hình thức hỗ trợ phù hợp, để đoàn viên, thanh niên đăng ký các mô hình phát triển kinh tế. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ về vốn, sinh kế để giúp các hộ thoát nghèo bền vững”.

Để giúp đỡ đoàn viên, thanh niên thoát nghèo bền vững, Huyện đoàn Si Ma Cai cũng đã tiến hành rà soát cụ thể từng thôn, xã, lựa chọn những đoàn viên khó khăn nhưng có ý chí vươn lên để hỗ trợ thoát nghèo; đồng thời quan tâm trang bị cho đoàn viên những kỹ năng, kiến thức lập thân, lập nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên.

Thời gian qua, các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc đã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách 1.011 hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ là thanh niên để tổ chức giúp đỡ. Theo đó, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã giúp đỡ 477 hộ nghèo, hỗ trợ 3.650 ngày công lao động, huy động được khoảng 3,8 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa... Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều công trình, hỗ trợ sinh kế giúp đỡ nhiều thanh niên vùng cao vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỉnh Lào Cai có hơn 44.000 hộ nghèo, chiếm 25,19% tổng số hộ trong toàn tỉnh. Sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã và đang tiếp thêm động lực, giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Nguồn LCĐT
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập