image banner
Để văn hóa trở thành con đường Nam quốc Sơn Hà - Bài 1: Văn hóa là hồn cốt, là cội nguồn dân tộc
Lượt xem: 19
Một nhà văn nước ngoài đã từng nói "trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi", và dĩ nhiên, mọi nẻo đường không thể tự dưng có, mà chính là do con người tạo nên. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cũng có thể coi là một “con đường” mới, để ngành văn hóa xây dựng, phát triển ngang tầm với chính trị, kinh tế.

Nhân sự kiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa trình Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Báo Quân đội nhân dân triển khai vệt bài ghi nhận ý kiến của các chuyên gia đóng góp cho chương trình này, với mong muốn chương trình sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi được các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua. Từ đó sẽ bảo đảm đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng.

anh tin bai

Với sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội, ngành văn hóa cùng với nhân dân đồng lòng xây đắp “con đường” văn hóa mang đậm màu sắc dân tộc để hòa nhịp cùng thế giới thì chắc chắn trong tương lai không xa, nền văn hóa nước nhà sẽ khởi sắc.

 Tiền đề để văn hóa khởi sắc

 Là lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật và là một nghệ sĩ xiếc, từng cùng đồng hành với nhiều đồng nghiệp trong các chuyến lưu diễn ở trong và ngoài nước, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

anh tin bai

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

NSND Tống Toàn Thắng cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là tiền đề để thay đổi, mang đến một cách tiếp cận mới khi xã hội phát triển và hội nhập. Ông cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa khi ra đời sẽ là "đòn bẩy" cho ngành văn hóa phát triển. Đầu tư đúng hướng sẽ góp phần nâng cao giá trị văn hóa của Việt Nam.

 Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa rất quan trọng, phải được quan tâm triệt để và không phải chỉ là trách nhiệm của các bộ, ban, ngành có liên quan mà là của toàn xã hội và mang tầm chiến lược. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, văn hóa rất phát triển bởi lĩnh vực này trở thành một ngành công nghiệp và là chiến lược của cả đất nước.

 Theo NSND Tống Toàn Thắng, xu thế của thế giới hiện nay là ứng dụng công nghệ vào văn hóa và ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực này. Muốn phát triển nghệ thuật nhưng mang tính hiện đại, hội nhập quốc tế thì đầu tư cho công nghệ rất quan trọng để vươn tầm với các nước.

 Nhấn mạnh nghệ thuật do con người thể hiện kết hợp với công nghệ sẽ tạo ra giá trị nghệ thuật lớn hơn, NSND Tống Toàn Thắng dẫn chứng, hiện nay, nhiều đơn vị nghệ thuật đã áp dụng trình diễn công nghệ drone để tạo hình, chuyển tải nội dung, thông điệp bằng nghệ thuật trình diễn ánh sáng - đó là một cách tiếp cận nhưng điều đó đòi hỏi sự đầu tư rất lớn của Nhà nước và các đơn vị nghệ thuật.

anh tin bai

Các tiết mục xiếc do những nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn vào dịp hè 2024.

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, nhất là về văn hóa nói riêng không dễ dàng để từ đó khai thác hiệu quả và tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển văn hóa. Bởi vậy, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cần bám sát vào quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

anh tin bai

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng: Từ Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa đến Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đảng, Nhà nước đã đề ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ là công cụ hỗ trợ để đạt được các mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.

 Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là đơn vị nghệ thuật đã có nhiều nghệ sĩ được vinh dự biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật ở những chuyến công du nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khoảnh khắc khi âm nhạc Việt Nam vang lên, bạn bè quốc tế vô cùng thích thú và những tràng pháo tay giòn giã rồi những bó hoa tươi thắm gửi tặng các nghệ sĩ khiến ai cũng tự hào và xúc động, bởi văn hóa Việt Nam đã chạm đến trái tim của những khán giả ở nhiều châu lục.

anh tin bai

Biểu diễn hòa nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và tiết mục ca múa nhạc do NSND Quốc Hưng biểu diễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

anh tin bai

NSND Quốc Hưng, Phụ trách Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

“Tôi cho rằng để văn hóa trở thành con đường “Nam Quốc Sơn Hà” và phát triển ngang hàng với chính trị và kinh tế cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa chính là cuộc chấn hưng mang tầm vóc lịch sử, tạo bước ngoặt lớn cho ngành văn hóa. Qua đó, các nghệ sĩ, những đơn vị nghệ thuật, các loại hình văn hóa…sẽ được đầu tư để nâng tầm và phát triển hơn nữa. Ngoài ra, nhiều Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài sẽ được xây dựng thì mới góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”, NSND Quốc Hưng, Phụ trách Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết.

anh tin bai

GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Đánh giá tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Văn hóa nếu không được đầu tư sẽ xuống cấp. Năm vừa qua, Nhà nước chỉ đầu tư trùng tu, phát triển các di tích quốc gia đặc biệt và các di tích quốc gia, còn một loạt di tích của các tỉnh thì chưa được đầu tư. Như vậy, khi không có vốn để trùng tu, tôn tạo thì đương nhiên, các di tích sẽ xuống cấp. Bên cạnh đó, đối với các thiết chế văn hóa, chỉ tính riêng tại Hà Nội, số lượng những nhà hát đủ tiêu chuẩn để tổ chức các chương trình mang tầm quốc tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư cho văn hóa là thực sự rất cần thiết.

----------------------------*****----------------------------

Bước đột phá trong phát triển văn hóa

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã được Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực, dày công chuẩn bị nội dung. Chương trình đã được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước; ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV nêu rõ: Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030; 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035 có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

anh tin bai

Nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là chương trình hết sức quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 12-2021. Tiếp đó, năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu, nghiên cứu trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng chương trình này.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá rất cao chương trình đã được Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất tích cực, dày công chuẩn bị nội dung. Chương trình đã được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước; ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

 Để bảo đảm tính hiệu quả của chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ một số nội dung cơ bản cần triển khai khi Quốc hội thông qua chương trình. Theo đó, Chính phủ phải cụ thể hóa từng chương trình, từng dự án, từng đề mục để thực hiện hiệu quả trên thực tiễn.

anh tin bai

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm cụ thể hóa định hướng "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

 Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa đã đưa ra những mục tiêu cơ bản, tổng quát, cũng như các giải pháp cơ bản, đặc biệt là đưa ra quan điểm dài hạn để tương xứng với vị trí của một chương trình quốc gia.

anh tin bai

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Tán thành với sự cần thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm góp phần đáp ứng đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước về phát triển văn hóa Việt Nam như Kết luận số 42 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 572 của Quốc hội và Nghị quyết số 68 của Quốc hội… Đồng thời, tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam; tạo động lực khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền tư tưởng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

 Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa được coi là sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đa dạng. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chủ trương đúng đắn trong bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa của nhân loại trong bối cảnh hội nhập. Ngoài ra, các địa phương cũng đều có ý thức giữ gìn văn hóa của địa phương, của dân tộc. Tuy nhiên, để nền văn hóa của Việt Nam tiếp tục được giữ gìn, phát triển hơn nữa, thực sự trở thành con đường “Nam quốc sơn hà” thì Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa khi trở thành hiện thực sẽ thực sự trở thành một cuộc chấn hưng văn hóa, để từ nơi đó, văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam được khơi dậy, góp sức xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng và văn minh!

anh tin bai

Vẻ đẹp cô gái Hà Nhì trong trang phục truyền thống. Ảnh: TTXVN/Làng văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nguồn: qdnd.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập