image banner
Kiểm kê di sản phải linh hoạt, khả thi
Lượt xem: 28
Việc luật hóa hoạt động kiểm kê di sản văn hóa trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được đánh giá là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn với quy định mốc thời gian kiểm kê di sản.

Nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản

 Theo định nghĩa, “kiểm kê di sản văn hóa” là hoạt động nhận diện, xác định giá trị, đánh giá hiện trạng, nguy cơ hủy hoại, xác lập cơ sở pháp lý và lập danh mục, hồ sơ khoa học di sản văn hóa. Điều 10, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, quy định, hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng năm. Di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và được công bố trong Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ 5 năm một lần; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên toàn quốc 10 năm một lần. Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phải được rà soát và cập nhật hằng năm.

 Di sản tư liệu lần đầu tiên được đưa vào Luật Di sản văn hóa, và hoạt động kiểm kê di sản tư liệu được quy định cũng sẽ tiến hành thường xuyên, liên tục hằng năm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm kê di sản văn hóa tư liệu toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ 5 năm một lần; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê di sản tư liệu trên toàn quốc 10 năm một lần.

anh tin bai

Kiểm kê nhằm nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: Minh Đức

Thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Tuyên Quang) khẳng định, kiểm kê di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc kiểm kê, lập hồ sơ di sản khoa học, di sản văn hóa phi vật thể góp phần nhận diện giá trị kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ việc nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản, triển khai kịp thời các đề án, dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản đã ngăn chặn được nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa của các dân tộc.

 Bên cạnh đó, các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, trao truyền, tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư. Đặc biệt là tại một số địa phương, nhiều di sản đã trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản.

 Vì thế, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) luật hóa việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể “là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”.

 Linh hoạt, phù hợp điều kiện địa phương

 Tuy nhiên, đại biểu Âu Thị Mai băn khoăn quy định "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm kê toàn quốc 10 năm một lần" có bảo đảm tính khả thi không? Bởi tại khoản 1, Điều 10, dự thảo Luật đã quy định hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập hồ sơ thường xuyên, liên tục hằng năm. Đồng thời, tại khoản 2, Điều 10 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm kê toàn tỉnh 5 năm một lần.

 Do đó, “đề nghị Ban soạn thảo nêu rõ cơ sở và sự phù hợp của mốc thời gian kiểm kê như trong dự thảo Luật. Vì với quy định mốc thời gian như vậy, trong trường hợp khi Luật có hiệu lực thi hành thì từ năm 2025 các địa phương sẽ tiến hành kiểm kê và đến năm 2030 lại tiến hành kiểm kê lại. Vậy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng kiểm kê vào thời điểm nào, có đủ nguồn nhân lực để thực hiện kiểm kê hay không, hay vẫn chỉ giao cho các địa phương thực hiện kiểm kê để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch?”, đại biểu Âu Thị Mai phân tích và đặt câu hỏi.

 Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các chuyên gia cũng cho rằng, không nên quy định cứng nhắc 5 - 10 năm, mà cần uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Địa phương nhiều di sản thì phải làm thường xuyên, còn địa phương ít hay khó khăn thì có thể làm ít hơn.

 Theo TS. Lê Thị Minh Lý, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ước của UNESCO khuyến nghị phải kiểm kê di sản, còn kiểm kê như thế nào tùy thuộc vào địa phương. Ví dụ, địa phương quan tâm văn hóa dân gian của cộng đồng, như nghề gốm, có thể kiểm kê trước, không nhất thiết kiểm kê bằng hết, vì kiểm kê mà không bảo vệ cũng không làm được gì. “Thực ra chẳng cần ra con số vì không bao giờ chính xác. Nên đầu tiên đưa vào luật quy định cần kiểm kê di sản, nói rõ tùy theo nhu cầu, điều kiện mà kiểm kê chuyên đề hay kiểm kê tổng thể; thứ hai, phải cập nhật, vì có nghệ nhân mất đi và có cái được làm mới cần được xã hội ghi nhận”.

 Khoản 2, Điều 10, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định thẩm quyền kiểm kê di sản là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể toàn tỉnh, thành phố trong phạm vi điều kiện và trong thời hạn. Nhưng đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) nêu thực tế, có những di sản văn hóa phi vật thể liên quan tới nhiều tỉnh, thành phố như nghệ thuật bài chòi, lễ cầu ngư là di sản văn hóa phi vật thể của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định. Vì thế, “đề nghị có quy định về kiểm kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố”.

Nguồn: daibieunhandan.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập