image banner
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo của ý Đảng, lòng dân
Lượt xem: 37
Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (14/4/1944 - 19/7/2024), chúng ta bồi hồi nhận thức rõ những giá trị đặc sắc trong sự nghiệp, nhân cách của Đồng chí và vững tin từ sự nghiệp, nhân cách ấy sẽ khích lệ, gieo mầm phát triển cho sự nghiệp và nhân cách của rất nhiều người Việt Nam; đồng thời khích lệ, phát triển cho các thế hệ đảng viên, cho Đảng, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa và đất nước ta.
anh tin bai

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng_ Ảnh: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Tám mươi tuổi đời, trên 55 năm hoạt động liên tục, được tôi luyện trong thực tiễn, với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận, nhà hoạt động thực tiễn, đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng thúc đẩy bảo đảm sự phát triển bền vững của Đảng và chế độ xã hội.

1. Từ nhà lý luận đến Tổng Bí thư của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trưởng thành từ chuyên viên, biên tập viên, trở thành Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và khi đã ở cương vị đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có thời kỳ kiêm nhiệm chức trách Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đồng chí mang hình ảnh một vị Tổng Bí thư đồng thời là một nhà lý luận.

Thực vậy, trong chỉ đạo tổng thể đường lối, chính sách đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm việc xác định tầm nhìn chiến lược có tính tư tưởng - lý luận của Đảng và đất nước; coi trọng tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Đồng chí trả lời thuyết phục các câu hỏi: CNXH là gì? Xây dựng CNXH như thế nào? Mối quan hệ giữa định hướng và định hình CNXN ở Việt Nam ra sao?... Ông thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đây là các nguyên tắc nền tảng vững chắc của Đảng, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, dân tộc ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do Đồng chí khởi xướng và chỉ đạo, đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

Trên trường quốc tế, tư tưởng, lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có tính đặc thù Việt Nam vừa có tính toàn cầu mà điểm cốt lõi là kết hợp giữa phục hưng giá trị lịch sử và thực hiện những cuộc vận động mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển trong khi vẫn đề kháng tốt trước một số tác động của toàn cầu hóa.

Thực tế Việt Nam cho thấy, việc khai thác, phát huy truyền thống dân tộc và cách mạng đã tạo bệ đỡ và khích lệ việc đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, đồng thời đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Thông qua đó, tạo được nhiều cuộc vận động, phong trào trong nước hưởng ứng và tích cực thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong khi nhận được sự ủng hộ, khích lệ của nhiều nước và tổ chức quốc tế.

2. “Người đốt lò” của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ tháng 02-2013 đến nay. Ngày 05-5-2014, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Đồng chí nêu rõ, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức, xây dựng và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ. Đồng chí yêu cầu “phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng; giáo dục tinh thần trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”. Đó là công việc rất khó, rất phức tạp; khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Tiếp đó, để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (tháng 6-2022) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ sau một năm, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét. Chẳng hạn, “không còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, “hạ cánh an toàn”, góp phần quan trọng khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, giờ đây “trên nóng” dưới cũng ngày càng nóng lên”.

Những năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh. Nhiều cán bộ cao cấp vi phạm bị kỷ luật, trong đó, có cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang. Theo Tổng Bí thư, “việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 11-8-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Đừng “nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”.

Vào ngày 30-6-2022, nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong 10 năm (2012-2022), Tổng Bí thư nhận định tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Thực tế, “cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”. “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi. Đối với những biểu hiện làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn” để giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Đồng chí chỉ rõ “Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm”.

Theo Tổng Bí thư, “dân tộc ta xưa nay tỉnh táo, thông minh, cảnh giác, không mơ màng. Nội bộ chúng ta có khuyết điểm thì ta sửa” và “đánh con chuột đừng để vỡ bình. Làm sao diệt được chuột mà đừng để vỡ bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”. Do đó, cùng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đặc biệt yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân, vào các vị trí lãnh đạo.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Cùng với xử nghiêm vi phạm, “nhốt” quyền lực vào trong “lồng cơ chế, thể chế”, Tổng Bí thư lưu ý việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị “tha hóa”.

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, bằng cách làm khoa học, bài bản, có chiến lược, phương châm, phương pháp sáng tạo, đúng quyền hạn và trách nhiệm, không “lấn sân” và cũng không làm thay các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chỉ đạo sát sao, gương mẫu, có tâm, có tầm của Tổng Bí thư, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành “phong trào, thành xu thế không ai có thể đứng ngoài cuộc”.

Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời chuyên gia cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, điều có thể thấy rõ ở tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm trong và sau đại dịch Covid-19. Thực tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng ở Việt Nam được quốc tế ghi nhận là có tiến bộ.

3. Ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc (ngày 14-12-2021), lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”; và ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức và cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và kế tiếp truyền thống đối ngoại quật cường nhưng hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, để tiếp tục đổi mới phát triển hiện đại, vững mạnh toàn diện.

Thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đủ uy tín để thiết lập, phát triển các quan hệ truyền thống với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, đồng thời mở lối để Việt Nam tạo lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với nhiều nước lớn (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Mỹ,…). Lãnh đạo Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư đã thuyết phục được Chính phủ Mỹ công nhận thể chế cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và mời Đồng chí sang thăm Nhà Trắng với tư cách một nguyên thủ quốc gia. Bản thân Tổng Bí thư đã đón tiếp các Tổng thống Mỹ kế tiếp nhau tới Hà Nội. Với các nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, Việt Nam và Mỹ đã khép lại cuộc chiến tranh tàn khốc trong quá khứ để mở đường thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa nhân dân và chính phủ hai nước. Với chiến lược ngoại giao “cây tre Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện được mối quan hệ cân bằng giữa Việt Nam với các nước lớn.

Báo Washington Post (Mỹ) bình luận: Trên trường quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là người thực hiện khéo léo trường phái “ngoại giao cây tre” của Việt Nam khi đất nước điều hướng mối quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng, đồng thời xây dựng quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ và Nga. Còn theo báo New York Times (Mỹ), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư, các siêu cường lớn trên thế giới đã tích cực xây dựng mối quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này.

4. Góp phần hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm sự phát triển bền vững của Đảng và chế độ xã hội

Trên cương vị Tổng Bí thư, khi chỉ đạo vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, ông đã đi sâu làm rõ bản chất của Đảng, vai trò của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam; chống tham nhũng, tiêu cực đi đôi với không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh, trình độ trí tuệ, tính tiên phong, phát huy truyền thống tốt đẹp, mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đường lối của Đảng mà không phản ánh được lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc, không phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử, là đường lối sai lầm(1). Bởi lẽ, mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của Đảng(2).

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư, lần đầu tiên Đảng ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định mục tiêu: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo…; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”(3).

Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường tính dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hạn chế tối đa tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, “tha hóa quyền lực”.

Về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Tổng Bí thư đã khái quát: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở nước ta là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”(4); “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội…, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, những người không may gặp khó khăn, cơ nhỡ”.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã đề cập toàn diện, sâu sắc lĩnh vực văn hóa; Hội nghị toàn quốc về văn hóa (năm 2021) đã tổng kết hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người mới Việt Nam nhằm phát triển, phát huy mạnh mẽ vai trò soi đường của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc(5).

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Đảng quy hoạch ngày càng sáng rõ, như: các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng kinh tế trên cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoạch định mục tiêu, tầm nhìn, phương hướng phát triển của đất nước đến giữa thế kỷ XXI, vào dịp kỷ niệm 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước, trở thành quốc gia phát triển, hiện đại, văn minh, định hướng XHCN.

Với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực; trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đi vào hoạt động, bước đầu có kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được đổi mới, tăng cường trên cơ sở ban hành có chất lượng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều quy định mới, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, kỷ cương, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên tổng thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo bổ sung, hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay”.

5. Dân yêu, dân thương và dân mến

Nhân dân luôn trong tâm khảm, tư tưởng của Tổng Bí thư. Từ đó, Đồng chí quan niệm và yêu cầu phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, xây dựng, phát triển con người toàn diện. Nhân dân là chủ thể nên nhân dân là trung tâm của công cuộc đổi mới. Do đó, “Đảng ta phải có trách nhiệm cao nhất với dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”(6).

Ông Y Luyện Niê Kdăm, đại biểu Quốc hội khóa X, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng: “Là người có nhiều đổi mới mạnh mẽ, những việc làm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều được dân yêu, dân thương và dân mến. Vì thế, tình hình đất nước được ổn định, đời sống nhân dân phát triển. Để có được những thành tựu này là nhờ có những đóng góp to lớn của đồng chí Tổng Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn cho sự phát triển của đất nước”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X nhận xét: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn Đảng, toàn dân. Chỉ đạo của Tổng Bí thư lúc này là ý chí, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Yêu cầu Đảng phải trong sạch, vững mạnh, từ đó lấy lại lòng tin của nhân dân, của đảng viên đối với cơ quan lãnh đạo”.

GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV bày tỏ: “Chúng tôi may mắn, vinh dự và tự hào vì đã thay mặt nhân dân lựa chọn được một người xứng đáng. Chúng tôi cũng cảm thấy hết sức tin tưởng, kỳ vọng khi đất nước đã tìm ra được người tài giỏi, năng lực, đạo đức để lãnh đạo đất nước. Tất cả những cơ sở đó làm chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mà Đảng và nhân dân giao phó”.

Trên trường quốc tế, Phó Chủ tịch Đảng Cách mạng Tanzania Abdulrahman Omar Kinana nhấn mạnh: “Dưới sự lãnh đạo tài tình của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế; đã có nhiều sáng kiến mang tính đột phá trong công tác xây dựng Đảng, góp phần củng cố một Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người dân. Kinh tế - xã hội tăng trưởng mạnh mẽ; công tác xóa đói, giảm nghèo là điểm sáng, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.

Báo Washington Post (Mỹ) đánh giá: “Nỗ lực chống tham nhũng của Tổng Bí thư nhằm khơi dậy niềm tin của công chúng vào Đảng Cộng sản và sự quản lý của Đảng đối với nền kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, với các lĩnh vực khởi nghiệp đang phát triển”.

6. Một người khiêm nhường mà vĩ đại

Trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước. Trong cuộc sống thường nhật, Đồng chí luôn sống giản dị, khiêm nhường, mẫu mực, chân thành, xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thật sự là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên noi theo.

Đối với Đồng chí, “con người - hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao!” Bởi, “đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ, tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền lắm của, ăn ngon mặc đẹp mà còn là sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái lẽ phải và công bằng.

Ông Vương Khắc Tăng, người bạn từ thời niên thiếu ở quê nhà, chia sẻ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là con người khiêm tốn, liêm khiết đến tận cùng; người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, vì nước, vì dân. Từ khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, rồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, rồi trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, nếu trong làng có đám hiếu, bà con lối xóm qua đời, ông rất hiếm khi vắng mặt. Với bạn bè, Tổng Bí thư luôn xem mình chỉ là cậu học trò nghèo năm xưa. Năm 2011, khi đã làm Tổng Bí thư, ông vẫn đi dự họp lớp cấp 2, vẫn chan hòa, nhỏ nhẹ, khiêm nhường, bởi là người ít tuổi nhất trong chúng bạn.

Một người bạn học khác, ông Tạ Sinh Kế cho rằng, Tổng Bí thư là người gần dân, liêm khiết, là một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, nhân văn, một nhân cách lớn. Cả cuộc đời Tổng Bí thư cống hiến cho dân cho nước, không mảy may vụ lợi cá nhân. Ông về thăm trường phổ thông, trường đại học cũ; kính trọng và ân cần thăm hỏi các thày giáo cũ, từ thày dạy phổ thông đến dạy đại học; thân thiện với các bạn học phổ thông và đại học. Ông yêu thương và gắn bó với người thân trong gia đình, nhưng khuyến khích họ tự phấn đấu trưởng thành.

Đối với giới trẻ, tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/03/1931 - 26/03/2021), Tổng Bí thư nhắn nhủ: “Tôi mong các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn đoàn viên, đảng viên trẻ hãy luôn ghi nhớ ý nghĩa của chiếc huy hiệu mà các bạn đang đeo trang trọng trên ngực áo với lời Bác kính yêu căn dặn: “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”, để “tránh tình trạng nhạt Đảng, khô đoàn, xa rời chính trị”.

7. Kết luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị theo nguyên tắc “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; từ đó toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, càng bền vững, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

_________________

(1), (2), (4), (6) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.66, 86, 65, 65.

(3) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09-11-2022).

(5) Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị văn hóa toàn quốc, https://vietnamnet.vn/, ngày đăng 25-11-2021.

Nguồn: lyluanchinhtri.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập