image banner
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về hậu phương chiến tranh vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Lượt xem: 13
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương, coi đó là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hậu phương có vai trò hết sức to lớn và có vị trí mang tính quyết định việc thành bại của kháng chiến: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương1. Đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng càng lâu dài, gian khổ và ác liệt, vai trò của hậu phương càng trở nên quan trọng. Hậu phương hậu thuẫn gián tiếp tạo nên thắng lợi ở mặt trận nhưng lại giữ vai trò có tính quyết định; là chỗ dựa, nơi cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, cổ vũ niềm tin vào chiến thắng cho bộ đội. Hậu phương có vững mạnh, được giữ vững mọi mặt thì bộ đội ở chiến trường mới có thêm sức mạnh để đánh thắng giặc. Tư tưởng “Thực túc thì binh cường” của Hồ Chí Minh đã khẳng định một triết lý giản dị nhưng vô cùng sâu xa: muốn xây dựng được quân đội hùng mạnh, đủ sức chiến đấu lâu dài và giành chiến thắng, trước hết phải xây dựng được thực lực - tức là phải có được hậu phương vững chắc, mạnh về mọi mặt, nhất là về kinh tế - quốc phòng, là nguồn dự trữ dồi dào, to lớn về nhân lực, vật lực, đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng cao của chiến trường.

1. Một số nội dung, quan điểm và biện pháp xây dựng hậu phương kháng chiến vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: phải xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện trên tất cả các mặt, như: chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương cả trong thời bình và thời chiến. Trước hết, xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị - tư tưởng là vấn đề có tính cốt lõi và xuyên suốt toàn bộ quá trình cách mạng. Hồ Chí Minh xác định rằng, muốn xây dựng hậu phương vững mạnh, vấn đề đầu tiên, nhiệm vụ then chốt là phải xây dựng lực lượng chính trị. Theo Người, chỗ dựa vững chắc nhất của cách mạng, của hậu phương kháng chiến là lòng yêu nước, lòng trung thành vô hạn của nhân dân đã giác ngộ đối với sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”2. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng hậu phương, Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng Đảng, tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng. Người yêu cầu tất cả các đơn vị, địa phương đều phải ra sức chăm lo, củng cố tổ chức đảng vững mạnh; mỗi chi bộ thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo, là “pháo đài thép” ở từng cơ sở. Trong xây dựng Đảng ở hậu phương, cần hết sức coi trọng bồi dưỡng cấp ủy, bí thư và cán bộ nòng cốt cả về nhận thức tư tưởng, phương pháp lãnh đạo, cách xây dựng nghị quyết về công tác xây dựng hậu phương quân đội, nhất là công tác quân sự địa phương ở từng cơ sở.

Đi đôi với xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ các cấp, nhất là ở các địa phương: “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm3. Người yêu cầu chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị các cấp phải thực sự làm tốt vai trò, chức năng của mình trong việc tổ chức quản lý và điều hành các hoạt động của xã hội, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chính quyền của dân, do dân, vì dân. Đồng thời, Người luôn nhắc nhở các cấp chính quyền phải thường xuyên chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm động viên, khuyến khích phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở hậu phương, củng cố và bồi dưỡng sức dân trong chiến tranh.

Quan điểm xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị - tư tưởng của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở phương châm chỉ đạo các cấp bộ đảng và chính quyền cần tích cực bồi dưỡng và phát động các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang và nhân dân. Người nói: “Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng ta đã phát động trong toàn dân, toàn quân nhiều cuộc vận động chính trị, thi đua xây dựng hậu phương thông qua các phong trào4; tạo sự cổ vũ và động viên to lớn đối với toàn dân, toàn quân ở hậu phương và trên chiến trường cùng thi đua hoàn thành nhiệm vụ.

Xây dựng tiềm lực kinh tế là điều kiện thúc đẩy sự phát triển tiềm lực quốc phòng; kinh tế có phát triển, hậu phương mới có thể đáp ứng đầy đủ và kịp thời mọi nhu cầu ngày càng lớn của chiến tranh, mới đủ sức đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Mặt khác, kinh tế có phát triển, mới có điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở hậu phương, duy trì và bồi dưỡng được sức dân trong điều kiện chiến tranh ác liệt kéo dài. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Biết đánh là cái tốt, nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân tức là chỉ biết có một mặt, vì đánh không thể tách rời được với chính trị và kinh tế”5.

Trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, trình độ sản xuất thấp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, lại bị chiến tranh ác liệt kéo dài tàn phá, với tinh thần tự lực, tự cường là chính, Hồ Chí Minh đề ra chính sách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, coi đó là một “quốc sách” căn bản để nâng cao đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế, phục vụ yêu cầu của kháng chiến. Với chủ trương “thực túc binh cường”, coi ruộng đất là của cải, “tấc đất tấc vàng”, Người luôn kêu gọi toàn dân, toàn quân: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa”và luôn xem đó là phương châm thiết thực để xây dựng hậu phương không ngừng lớn mạnh, để phục vụ kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Hồ Chí Minh còn hết sức coi trọng phát triển về văn hóa, giáo dục, y tế. Ngay từ khi chính quyền được thành lập và trong quá trình tiến hành kháng chiến, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng nền văn hóa mới, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cho nhân dân ở hậu phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nạn mù chữ trên toàn quốc đã được đẩy lùi, xóa bỏ; giáo dục phổ thông từng bước phát triển. Trình độ học vấn của bộ đội và nhân dân được nâng lên làm cho việc nhận thức nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng hậu phương chiến tranh, nhận thức tình hình thế giới và trong nước đạt được kết quả rõ rệt. Nhờ đó, việc động viên tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ hậu phương, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thêm thuận lợi. Đồng thời, Người chỉ rõ: “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc”7.

Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương kháng chiến, chăm lo xây dựng nâng cao đời sống và bồi dưỡng sức dân ở hậu phương là hai mặt của một vấn đề, thống nhất chặt chẽ với nhau, luôn hỗ trợ và tương tác lẫn nhau. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: nhiệm vụ bảo vệ là cực kỳ quan trọng, song quyết định nhất trong các nhiệm vụ của hậu phương, bảo đảm cho hậu phương ổn định và vững mạnh là nhiệm vụ xây dựng. Người đã từng nhắc nhở quân và dân ta trong xây dựng và bảo vệ hậu phương phải tích cực chuẩn bị sẵn sàng; luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết đập tan mọi âm mưu thủ đoạn chống phá nổi loạn từ bên trong cũng như tiến công tập kích từ bên ngoài vào của kẻ địch.

2. Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về hậu phương chiến tranh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Hiện nay, đất nước ta đang tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp; nhiều thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang, cùng với âm mưu bạo loạn lật đổ ở các mức độ khác nhau để chống phá cách mạng nước ta. Trong bối cảnh đó, việc quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Chúng ta cần xác định rõ những quan điểm và phương hướng chiến lược để xây dựng hậu phương ngay từ thời bình, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, trên những nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng hậu phương chiến tranh ngay từ thời bình. Trong quá trình hoạch định đường lối lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh nói riêng, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: “Trên cơ sở phát triển kinh tế, đáp ứng ngày càng đầy đủ và ổn định các nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của các lực lượng vũ trang, củng cố thế trận bảo vệ Tổ quốc cả về quốc phòng và an ninh”8. Trên thực tế, bước chuyển từ thời kỳ chiến tranh sang thời kỳ hòa bình diễn ra trên nhiều mặt, nhiều vấn đề, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng phải đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Trên lĩnh vực xây dựng, củng cố hậu phương thời bình, cốt lõi là vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng, Đảng ta vẫn thể hiện tính nhất quán và xuyên suốt, có sự kế thừa và phát triển. Có thể nói, việc sớm xác định đường lối xây dựng hậu phương chiến tranh trong thời bình, hay việc xác định nội dung, bước đi trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân thời kỳ hội nhập quốc tế luôn được thể hiện nhất quán, thể hiện tư duy nhạy bén, trí tuệ, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược của Đảng trước những vấn đề thực tiễn của đất nước, của thời đại mang tính xu thế toàn cầu hóa.

Thứ hai, xây dựng hậu phương chiến tranh thời bình theo hướng đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hậu phương chiến lược miền Bắc luôn được Đảng chú trọng xây dựng vững mạnh về mọi mặt, đứng vững trước mọi thử thách ác liệt của chiến tranh phá hoại của địch, trên cơ sở đó đã dốc toàn bộ sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Kinh nghiệm đó cần được tiếp tục vận dụng và kế thừa đầy đủ, sâu sắc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học - kỹ thuật, công nghệ ngày càng phát triển. Ngày nay, với nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, phương thức tiến hành chiến tranh có nhiều điểm phát triển mới buộc chúng ta phải chú trọng quan tâm xây dựng, tổ chức hậu phương chiến tranh ngay trong thời bình với những nội dung mới phù hợp. Có như vậy, khi chiến tranh xảy ra, hậu phương mới có thể đứng vững trong mọi thử thách, tạo được sức mạnh và chỗ dựa vững chắc cho toàn quân, toàn dân đánh giặc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thứ ba, tăng cường tiềm lực quốc gia, sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị trong xây dựng hậu phương thời bình, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, Đảng ta xác định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế,… tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc”9. Nhằm hiện thực hóa chủ trương trên, góp phần tạo ra sức mạnh quốc gia, xây dựng hậu phương chiến tranh vững mạnh ngay từ thời bình, Đảng ta đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,… Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”10.

Như vậy, Đảng ta đã chỉ rõ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tuy đặc điểm tình hình có những bước phát triển mới, nhưng nhân tố quyết định thường xuyên đối với sức mạnh quân đội vẫn là nhân tố hậu phương, thắng lợi của chiến tranh vẫn là tiềm lực của hậu phương. Vì vậy, xây dựng hậu phương trong thời kỳ mới vẫn phải chú trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, quân sự. Phải kết hợp kinh tế với quốc phòng và ngoại giao, kinh tế với văn hóa, kết hợp sức mạnh trong nước với quốc tế, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới, tạo sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

__________________         

1 - Đại tướng Văn Tiến Dũng – Đi theo con đường của Bác, Hồi ký, Nxb CTQG, H. 1990, tr. 173.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 164.

3 - Sđd, Tập 15, tr. 293.

4 - Như: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”; công nhân với khẩu hiệu: “Tay búa, tay súng”; nông dân với khẩu hiệu “Tay cày, tay súng”, “Năm tấn thóc một hécta”; phụ nữ với phong trào “Ba đảm đang”; thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng”; Quân đội với phong trào “Cờ ba nhất”, v,v.

5 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 446.

6 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 135.

7 - Sđd, Tập 7, tr. 173.

8 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 47, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 378 - 379.

9 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQGST, H. 2016, tr. 147 - 148.

10 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQGST, H. 2016, tr. 149.

Nguồn: tapchiqptd.vn
Thông tin mới nhất
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập